MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu liên cơ quan trên đường Võ Chí Công, giữa Thủ đô nhưng như một ốc đảo, thiếu ngay cả cái tối thiểu nhất là chỗ đỗ xe: Ảnh: LĐO

Từ toà nhà “bắp ngô” tới “ốc đảo” liên cơ

Anh Đào LDO | 22/05/2021 11:14

3 khối nhà khủng, tổng diện tích là 49.848m2 trên khu đất 7.270m2, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng - Quy mô Khu Liên cơ hành chính tập trung của Hà Nội. Nhưng, vừa xong, các sở ngành đang xin quay lại trụ sở cũ.

Anh A, đến Sở Xây dựng ở khu liên cơ Võ Chí Công để xin giấy phép xây dựng. Có mặt tại khu liên cơ từ 7h30 nhưng chạy ôtô hết 3 vòng tòa nhà này và một số điểm đỗ xe trong các ngõ phố lân cận trên đường Võ Chí Công, anh vẫn chưa tìm được chỗ đỗ xe để vào giao dịch.

Chị B, đi xe máy, nhưng khi vào bãi đỗ xe của tòa nhà thì được bảo vệ thông báo “hết chỗ”.

Nhưng không chỉ anh B, chị C - những người dân tới làm việc, ngay cả các cán bộ nhân viên ở đây cũng như “đi đày”. Báo Tiền Phong từng cho biết: 8 sở ngành với hơn 1.500 cán bộ, nhân viên nhưng Khi Liên cơ Võ Chí Công chỉ chứa được 40 ôtô và 800 xe máy.

Việc các sở ngành “xin” quay lại trụ sở cũ, xét ra, không có gì là khó hiểu cả khi Khu Liên cơ thiếu ngay cả cái tối thiểu nhất là chỗ đỗ xe, là cái phòng họp.

Mở ngoặc là 8 sở ngành chỉ có đúng 1 phòng họp chung.

Mô hình khu liên cơ quan, theo TS Huỳnh Thế Du, là hoạt động tập trung dựa trên nguyên lý lợi thế kinh tế nhờ quy mô và lợi thế nhờ sự kết khối hay hiệu ứng cụm. Nó đúng “nguyên lý”.

Nhưng có vẻ như Khu Liên cơ Hà Nội “có họ hàng” với toà nhà bắp ngô ở Đà Nẵng, từng gây biết bao sóng gió dư luận.

Nhớ chỉ ít lâu sau khi khánh thành, chính cán bộ nhân viên sống và làm việc trong toà nhà bắp ngô ấy đã phải kêu trời. Bởi dẫu là khu hành chính của một thành phố được coi là đáng sống nhưng không ai sống nổi, làm việc nổi trong một toà nhà thiếu cả đến khí tươi, nóng như một cái lò và cứ ra đến đường là tắc.

Từ toà nhà bắp ngô nhiều năm trước cho đến Khu Liên cơ ở Hà Nội dường như có điểm chung là “người ta” chỉ chú trọng đến độ to lớn, uy nghi trong khi bỏ qua những cái tối thiểu nhất thuộc về nhu cầu.

Các khu hành chính tập trung sẽ vẫn còn được xây dựng không chỉ ở quy mô cấp tỉnh mà còn xuống đến các quận, huyện.

Nhưng để tránh sự lãng phí thì trước hết là phải tránh điều mà TS Huỳnh Thế Du gọi là “duy ý chí, tư duy cơ khí” trong việc xây dựng các khu liên cơ.

TS Du cho rằng, giải pháp trong trường hợp này cũng không có gì phức tạp, chỉ cần tạo điều kiện cho cơ chế thị trường có thể vận hành tốt nhất và nhà nước chỉ sửa chữa các khuyết tật thị trường chứ không nên làm thay việc của thị trường, nhất là với tư duy máy móc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn