MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Trái tim thì sao lại có lông” thế kia?"; "Họ bị làm sao thế này"... trái tim lông lá bên Bờ Hồ từng gây phản ứng từ dư luận, và giờ đến lươt tạo hình suối hoa ở Quảng Nam. Ảnh: Hoạ sĩ Nguyễn Châu

Từ “trái tim lông lá” đến tạo hình... cái nhạy cảm

Anh Đào LDO | 10/02/2021 13:05

Chính quyền Tam Kỳ ngay lập tức đã cho chỉnh sửa tạo hình hoa xuân ở Quảng trường 24.3, TP Tam Kỳ, Quảng Nam sau khi dư luận góp ý, chế diễu giống một hình... nhạy cảm.

TTO, dẫn lời ông ông Nguyễn Minh Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết ý tưởng trang trí tạo hình hoa xuân này được gọi là suối hoa, với mong muốn mọi người có một năm mới sung túc hơn.

Nhưng sau khi nghe thông tin góp ý, ngay trong sáng 9.2, UBND TP Tam Kỳ đã chỉ đạo chỉnh sửa, thay chiếc lu bằng chậu gốm và thúng.

Ông Nam nói tạo hình trên "nhìn phía sau thì thấy hiểu nhầm vậy chứ nhìn phía trước, mặt chính thì đẹp".

Tạo hình suối hoa, bên trên gắn một chiếc lu được làm bằng khung sắt, quấn dây thừng xung quanh. Nhìn từ phía trước thì không vấn đề gì, nhưng đã có người chụp ảnh, cho thấy từ một góc chụp, tạo hình này trông giống một hình nhạy cảm.

Câu chuyện này, nhìn ở giác độ tiêu cực thì đúng, nó không khác gì tạo hình con rồng Pikachu ở Hải Phòng, không khác gì trái tim lông lá bên Bờ Hồ cả. Một trái tim xấu xí, gớm ghiếc đến mức chính Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã đặt câu hỏi: “Họ bị làm sao thế này?!”; đã thốt lên: “Tôi mang cảm giác bao nhiêu vẻ đẹp Thăng Long, bao nhiêu tác phẩm điêu khắc đẹp của các nghệ sĩ Việt Nam hình như chưa bao giờ có trong đầu những người qui hoạch thủ đô thời đổi mới. Vì thế, thi thoảng họ lại cho hiện ra giữa thủ đô một hình thù quái dị”.

Có người chê “con mắt” người phê bình là ám ảnh, định kiến, là soi mói..., nhưng cũng có một điều không thể phủ nhận là thẩm mỹ truyền thông của chúng ta kém đến tệ hại mà tạo hình suối hoa - như dương vật, hay trái tim lông lá chính là một ví dụ.

Dân, trên lý thuyết chính là người thụ hưởng các sản phẩm văn hoá- dù xã hội hoá hay nguồn vốn nhà nước, thì cũng đều là tiền túi của mình, và họ đáng là một khán giả, một trọng tài, một người giám sát.

Nhưng câu chuyện Tam Kỳ cũng cho thấy một khía cạnh không thể nói khác là rất tích cực.

Bởi, trong việc “sửa” tạo hình suối hoa kia, chính quyền thành phố đã thực sự lắng nghe dân, thực sự “sửa” những gì chưa hoặc không phù hợp, từ chính những ý kiến góp ý phê bình của dân.

Câu chuyện Tam Kỳ đã có một kết thúc đẹp. Và chỉ mong, nó trở thành một tiền lệ. Một tiền lệ cho việc lắng nghe và điều chỉnh kịp thời những gì chưa phù hợp mà người dân góp ý. Không chỉ ở một suối hoa, một trái tim... mà còn ở các chính sách, quyết định hành chính ảnh hưởng tới số đông.

Nếu đâu cũng làm được như Tam Kỳ, nếu lĩnh vực nào - chứ không riêng chuyện pano, áp phích trang trí... cũng tiếp thu chấn chỉnh kịp thời thì lo gì chuyện thiếu sự đồng thuận của dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn