MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á. Ảnh: H.Nguyên

Từ vụ 140 tỉ đồng của mẹ Phan Quốc Việt, xét việc tịch thu tài sản tội phạm

Lê Thanh Phong LDO | 05/01/2024 18:46

Để làm rõ số tiền hơn 140 tỉ đồng trong 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Phan Quốc Việt, hội đồng xét xử triệu tập bà Tr - mẹ bị cáo này - nhưng một người tại phiên tòa thông báo, sáng 5.1, bà Tr mới có mặt do nhận được giấy triệu tập muộn.

Liên quan đến tài sản của Phan Quốc Việt, cơ quan chức năng phong tỏa 52 sổ tiết kiệm của mẹ bị cáo Việt hơn 140 tỉ đồng và 2 sổ tiết kiệm của con bị cáo trị giá 20 tỉ đồng.

Chủ tọa hỏi: "Mẹ bị cáo lấy đâu ra nhiều tiền như vậy để cho bị cáo vay?". "Có thể từ vay bạn bè" - Việt đáp. Chủ tọa cho biết, việc vay bạn bè phải có giấy tờ chứng minh.

Về 20 tỉ đồng trong sổ tiết kiệm của con, Phan Quốc Việt khai đó là tiền của mình. Số tiền này Việt có được từ nhiều hoạt động khác nhau.

Số tiền của Phan Quốc Việt như vậy đã rõ, đó là của bị cáo. Còn xác định tiền từ đâu là việc cần làm rõ, nếu là tiền liên quan đến Việt Á thì xử lý theo quy định của pháp luật.

Còn tiền trong 52 sổ tiết kiệm của mẹ Phan Quốc Việt, Việt khai trong suốt quá trình hoạt động 15 năm của công ty, bị cáo phải nhờ người nhà giúp đỡ.

Làm rõ chuyện này không khó. Mẹ của Phan Quốc Việt bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, thu nhập như thế nào, trong bao nhiêu năm để có được 140 tỉ đồng. Số tiền này có từ trước, hay 52 sổ tiết kiệm chỉ mới xuất hiện ngay sau vụ Việt Á. Nếu những sổ tiết kiệm này mới được mẹ của Phan Quốc Việt gửi sau khi nổ ra vụ Việt Á, thì câu chuyện đã rõ.

Luật pháp nghiêm minh, nên rất thận trọng trong việc kê biên và xác định tài sản của công dân, cho dù đó là vợ, con, cha mẹ hay người thân của bị can, bị cáo. Bởi vì, mỗi người có quyền sở hữu tài sản phải được tôn trọng, luật pháp bảo vệ.

Chồng phạm tội tham nhũng, bị kê biên tài sản, nhưng cũng không thể kê biên tài sản của vợ nếu như không có căn cứ. Ai phạm tội người đó chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Nhưng luật pháp nghiêm minh còn ở chỗ, nếu có cơ sở chứng minh đồng tiền của vợ, con, cha mẹ và người thân là tiền do người phạm tội tẩu tán, thì phải công khai làm rõ, chứng minh "đường đi của đồng tiền", tịch thu sung công.

Trong các vụ án liên quan đến tham nhũng, nhận hối lộ vừa được xét xử, nhiều bị cáo tình nguyện nộp lại tiền gọi là "khắc phục hậu quả". Nhưng nếu có những người không nộp lại tiền tham nhũng hoặc nộp không đủ thì xử lý như thế nào?

Đối với những trường hợp, người phạm tội tham nhũng, nhận hối lộ, chuyển tài sản cho vợ con, cha mẹ, người thân đứng tên, thì phải tịch thu, đó mới công bằng. Tất nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh được đó là đồng tiền tội phạm.

Làm thẳng tay như vậy, những kẻ có mầm mống tham nhũng mới sợ, mới chùn tay. Vì biết rằng, không có cửa để tẩu tán tài sản tham nhũng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn