MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường Quốc tế Trường Quốc tế AISVN ở huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: Chân Phúc

Từ vụ giáo viên Trường Quốc tế AISVN bỏ dạy, cảnh báo thương hiệu "quốc tế"

Lê Thanh Phong LDO | 18/03/2024 19:46

Giáo viên không đến trường giảng dạy, học sinh Trường Quốc tế AISVN đã phải tạm nghỉ học ngày 18.3.

Chuyện giáo viên Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) không đến dạy học là vì trường không trả lương đầy đủ và đúng hạn cho giáo viên, nhân viên. Với những gì đang xảy ra tại trường này, không biết chuyện giáo viên bỏ dạy sẽ kéo dài đến khi nào.

Không trả lương cho giáo viên là vì khó khăn tài chính, chuyện lùm xùm lâu nay. Nhà trường không có cách giải quyết, giáo viên bỏ dạy, biết trách ai bây giờ.

Nhà trường và giáo viên không thương lượng được với nhau, hậu quả là học sinh chịu thiệt thòi. Phụ huynh có con theo học trường Trường Quốc tế AISVN lo lắng, nếu nhà trường không giải quyết được lương, bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên, tình trạng bỏ dạy học kéo dài, con cái của họ sẽ bị ảnh hưởng. Nếu không học kịp chương trình, niên học, học sinh vào các cấp học sau sẽ không kịp thời gian của kỳ học.

Kể cả giáo viên đến trường, nhưng trong tâm trạng bị nợ lương, chán nản, mất tin tưởng, thì việc dạy học cũng không tốt. Nhà trường lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, bị các đối tác đòi nợ, đương nhiên không thể có được chất lượng đào tạo tốt như quảng bá là trường quốc tế.

Không chỉ giáo viên, nhân viên đòi nợ lương, Trường Quốc tế AISVN còn bị phụ huynh đòi nợ. Đó là những phụ huynh hợp đồng cho trường vay tiền, nhà trường sẽ hoàn trả số tiền vay kể từ khi học sinh học hết lớp 12 và hoàn tất thủ tục chấm dứt chương trình đào tạo chính khóa hoặc hoàn tất các thủ tục ngưng học tại trường Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam. Nhưng nhà trường đã không thực hiện đúng hợp đồng, không hoàn tiền lại cho phụ huynh, mặc dù con họ đã hoàn thành thời gian học tại trường.

Những rắc rối trên là hậu quả của những trường quốc tế làm ăn kinh doanh, huy động vốn, góp vốn. Thực chất đó là những doanh nghiệp làm ăn dưới danh nghĩa giáo dục.

Lâu nay, không ít người Việt "sính ngoại", nghe thương hiệu trường quốc tế với nhãn mác nước ngoài là cho con theo học. Nhưng trong những thương hiệu trường quốc tế, có không ít trường chất lượng kém, làm ăn bê bối, từ chuyện chất lượng đào tạo đến chất lượng bữa ăn. Mở trường học mà quá nặng về kinh doanh kiếm tiền, đưa giáo dục xuống thứ cấp, thì học sinh trở thành "nạn nhân" là điều khó tránh khỏi.

Từ vụ giáo viên Trường Quốc tế AISVN bỏ dạy, cùng với nhiều vụ việc xảy ra ở những trường quốc tế khác, cho thấy thương hiệu quốc tế không phải khi nào cũng chất lượng cao như nhiều người nghĩ. Coi chừng gặp phải "hàng giả" như chơi.

Và có điều cần đặt ra, đó là vai trò quản lý của ngành giáo dục địa phương đối với các loại trường hoạt động theo mô hình kinh doanh này?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn