MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ đài Kinh Thành Huế Ảnh: Phúc Đạt

Từ vụ Kỳ đài Kinh thành Huế bị xâm hại, phải hiểu rằng di sản là vô giá

Lê Thanh Phong LDO | 17/05/2023 13:48

Sau khi Báo Lao Động phản ánh tình trạng viết vẽ bậy lên các bức tường Kỳ đài Kinh thành Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tạm thời đóng cửa tham quan về đêm trên khu vực Thượng Thành.

Ngày 16.5, theo tin từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức sơn sửa lại các điểm bị viết vẽ bậy tại khu vực Kỳ đài, đồng thời sẽ tạm thời đóng cửa tham quan về đêm trên khu vực Thượng Thành cho tới khi bố trí được lực lượng bảo vệ giám sát.

Đóng cửa tham quan về đêm là đúng, vì với tình trạng này, chỉ cần một thời gian nữa, các bức tường Kỳ đài và nhiều điểm khác trên Thượng Thành sẽ bị phá hoại, khó có thể phục hồi lại nguyên trạng.

Cần thiết, phải tạm đóng cửa tham quan cả ban ngày, cho đến khi tổ chức được lực lượng bảo vệ. Ai dám đảm bảo rằng, ban ngày thì những người vô ý thức không viết, vẽ, đục khoét lên tường thành hoặc phá hoại di sản.

Để xảy ra hậu quả này là vì Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho tự do đi lên tham quan Thượng Thành 24/24h. Đúng ra, phải khoanh vùng từng khu vực trong quần thể di tích cố đô, có bán vé tham quan để quản lý.

Di sản Văn hóa Thế giới, có nghĩa là di sản nhân loại, không thể "tiêu xài phung phí" như vậy được. Phải bán vé để lấy nguồn tiền đó phục vụ cho việc bảo vệ, bảo tồn di sản.

Nhân đây, thử nêu ra giá vé hiện tại để xem việc khai thác di sản có hợp lý hay chưa?

Ví dụ, giá vé vào Đại Nội, người lớn 200.000 đồng/vé, trẻ em từ 7-12 tuổi 40.000 đồng/vé. Giá vé tham quan các lăng vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Tự Đức, vua Khải Định 150.000 đồng/vé, trẻ em 30.000 đồng/vé.

Từng viên gạch, lối đi, hàng cây, hiện vật trong các khu di sản đều có giá trị lịch sử, văn hóa, cho nên đó là vô giá. Đối với những tài sản có giá trị cao, không cần số đông mà cần số tinh, đến để thưởng ngoạn, nghiên cứu, nghiền ngẫm.

Cần đưa ra mức giá vé hợp lý để có nguồn tài chính bảo tồn di sản. Bao nhiêu là hợp lý thì phải tính toán kỹ lưỡng.

Xin lấy Sơn Đoòng làm ví dụ, một tour đến địa chỉ du lịch này có giá 70 triệu đồng/người. Ít người, giá cao là để bảo vệ môi trường thiên nhiên nơi đây. Khai thác số đông thì chẳng mấy chốc mà tan nát Sơn Đoòng.

Di sản Văn hóa Thế giới Huế cũng nên tư duy theo hướng này. Quan trọng là minh bạch nguồn thu, nguồn chi, sử dụng cho mục đích bảo vệ, bảo tồn, trùng tu, nghiên cứu khoa học.

Có ý kiến mở rộng cửa để giáo dục di sản, điều này cũng cần có quy định rõ ràng. Trẻ em được giảm giá vé, các trường tổ chức cho học sinh tham quan học tập sẽ có cơ chế miễn giảm riêng.

Cái gì hiếm mới quý. Đằng này, di sản vô cùng quý giá lại trở thành bình thường, thậm chí xem thường mà vụ xâm hại Kỳ đài là ví dụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn