MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Phương Hằng và TS Luật Đặng Anh Quân Ảnh: Chụp từ màn hình

Từ vụ Nguyễn Phương Hằng bàn về giới hạn của quyền được nói

Lê Thanh Phong LDO | 28/02/2023 12:56

Sau khi bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam về hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự", có nhiều người bị khởi tố liên quan đến vụ án này.

Một nhà báo và hai luật sư vừa bị khởi tố cũng vì hành vi trên.

Các cơ quan tố tụng có trách nhiệm làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, nhưng các bị can trong vụ án này là nhà báo, luật sư, lại vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự, đó là "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Theo dõi thông tin trên thực tế và công bố ban đầu của cơ quan điều tra, cho thấy liên quan đến "phát ngôn" của các bị can.

Công dân có quyền được bảo vệ hình ảnh, nhân phẩm, danh dự, uy tín, và luật pháp được đặt ra để điều chỉnh các hành vi vi phạm quyền công dân.

Ai cũng có quyền nói, phát ngôn, phản biện, tranh luận, nhưng không được gây tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người khác. Quyền hợp pháp ở đây chính là uy tín, danh dự, nhân phẩm, hình ảnh của công dân đã được Hiến định.

Thực tế cho thấy, từ khi xuất hiện các nền tảng mạng xã hội, ngoài các lợi ích mà nó mang lại thì cũng lắm thứ gây hại. Nhiều người sử dụng mạng xã hội làm công cụ tấn công người khác. Đã có rất nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trở thành nạn nhân của bịa đặt, xuyên tạc, vu khống, lăng nhục, nhưng không biết kêu ai.

Một thông tin bêu xấu một cá nhân lan truyền trên mạng xã hội, ngay lập tức được chia sẻ, lan rộng như một cơn lốc, dìm "chết" một con người. Có trường hợp nạn nhân chỉ muốn tự tử vì trầm cảm, vì uất ức, chịu không nổi trước áp lực dư luận.

Đáng sợ hơn, những người chia sẻ thông tin bất chấp sự thật, bất kể tính khách quan, hả hê khi đưa tin xấu về cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và coi đó như sự "thỏa mãn" vì đánh vào đối tượng xấu xa. Nhưng không ai nhận thức rằng, mình đang tiếp tay cho việc ác, có thể đang "đập" chết một doanh nghiệp làm ăn chân chính hay một cá nhân sống lương thiện.

Cộng đồng doanh nghiệp rất sợ hãi về hoang tin, tin bịa đặt về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, thực phẩm nhiễm chất gây ung thư hay mất an toàn vệ sinh. Bị những vụ bêu xấu trên mạng xã hội như vậy coi như doanh nghiệp tiêu tan, nếu không cũng thiệt hại rất lớn để khắc phục hậu quả.

Vụ án với cái tên nổi tiếng Nguyễn Phương Hằng cũng nhắc nhở cho cộng đồng về bài học phát ngôn. Những người muốn nổi tiếng trên mạng xã hội, tạo những cú "xì căng đan" chửi bới để gây tiếng vang thì hãy coi chừng sẽ bị pháp luật sờ gáy có ngày.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn