MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tượng đài chiến thắng Khâm Đức. Ảnh: Thanh Chung

Tượng đài 14 tỉ - không thể cứ dư luận lên tiếng lại cho kiểm tra!

Lê Thanh Phong LDO | 06/05/2020 15:22
Vụ xây tượng đài ở huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, một huyện nghèo vào hạng nhất nước đã làm ồn ào cả nước. Và vì quá ồn ào cho nên, theo Báo Lao Động ngày 5.5, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, sẽ kiểm tra việc xây dựng tượng đài 14 tỉ đồng ở huyện này.

Trong lúc đó, ông Trần Thiện Hải - Chánh Văn phòng UBND huyện Phước Sơn - khẳng định, khi tu bổ tượng đài, huyện đã trình và được UBND tỉnh thông qua. Tỉnh đã thông qua nhưng bây giờ nói như chưa biết chuyện gì xảy ra.

Thật quá lạ lùng, lạ lùng không thể hiểu. Bởi lẽ, tượng đài được xây dựng năm 2010, nhưng sau đó hư hỏng, xuống cấp. Năm 2017 khởi công tu bổ, đến nay đã gần 3 năm, vậy mà chủ tịch tỉnh không nắm, để khi báo chí lên tiếng, mới chỉ đạo kiểm tra.

Xây tượng đài này, phải phá cả một góc núi, vận chuyển vật tư và nhiều khối đá lớn, sừng sững giữa thanh thiên bạch nhật, chẳng lẽ lãnh đạo tỉnh không ai hay biết. Đúng ra là phải biết, nắm rõ thông tin, kiểm tra từ đầu khi chưa khởi công cho nên quá trình thi công. Đúng sai phải rạch ròi, phân minh.

Ở cái thời mà chỉ “quẹt” màn hình điện thoại là nắm thông tin cả thế giới, huống chi một tượng đài đang xây dựng ngay trong địa phương mà quý vị chịu trách nhiệm quản lý không hay biết.

Chúng ta đang sống giữa thời đại thông tin, lãnh đạo nào cũng thuyết giảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0, nhưng khi đụng việc thì cứ như đang sống trong thời kỳ mù mờ về thông tin.

Ông Trần Thiện Hải còn cho rằng: “Tượng đài như là điểm nhấn, nằm trong cụm du lịch mà huyện đang hướng đến nhằm phát triển kinh tế cho địa phương”.

Thật khó để hiểu được ý tưởng xây tượng đài để nhằm phát triển kinh tế cho địa phương. Xin hỏi khối bêtông đó phát triển kinh tế như thế nào, chẳng lẽ bán vé để cho du khách đến tham quan tượng đài, thu ngân sách lo cho dân. 

Đành rằng có những di tích, sự kiện lịch sử cần phải được ghi nhớ để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các hình thức như nhà bảo tàng, tượng đài, bia tưởng niệm... Tuy nhiên, vừa qua gần như địa phương nào cũng đua nhau làm tượng đài, trong đó có những công trình chất lượng nghệ thuật cực thấp cho nên không giáo dục được thẩm mỹ, không giáo dục được truyền thống, nói gì chuyện phát triển kinh tế.

Phước Sơn nằm trong nhóm 1 gồm 56 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30a ngày 27.12.2008 của Chính phủ. Vậy thì 14 tỉ đồng không nhỏ đối với một huyện quá nghèo. Vậy thì ngay từ 10 năm trước khi huyện có phương án xây dựng tượng đài thì tỉnh phải có ý kiến có cần thiết phải làm hay không khi huyện còn đang nhiều cái phải lo cho dân chứ không nên để khi dư luận lên tiếng thì lại mới cho kiểm tra! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn