MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một địa điểm sạt lở ở Bảo Lộc do san gạt núi, tạo mặt bằng xây dựng. Ảnh: Khánh Phúc

Ủi núi, san đồi - xử phạt nhiều nhưng có đắp núi lại được đâu

Thanh Hải LDO | 28/07/2023 21:37

UBND TP Bảo Lộc, Lâm Đồng liên tiếp ra nhiều quyết định xử phạt hành chính các trường hợp hủy hoại đất, làm biến dạng địa hình; thậm chí đình chỉ công tác cán bộ xã phường để xem xét, xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng... Nhưng xử phạt, kỷ luật không vẫn chưa đủ.

Mới nhất là việc UBND TP Bảo Lộc phát hiện, xử phạt 20 triệu đồng đối với hộ ông Trần Thanh Hòa, do đã múc đất, san gạt 1.762m2 đất nông nghiệp tại phường Lộc Tiến. Phạt hành chính bà Hồ Thị Minh 20 triệu đồng về hành vi hủy hoại đất với diện tích 1.832m2. Ngoài ra, TP cũng phạt tiền 3 trường hợp khác tại phường Lộc Sơn và Phường 2, với tổng số tiền 54,5 triệu đồng do tự ý chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị...

Ông Trần Văn Hiếu - Chủ tịch UBND phường Lộc Sơn cũng đã bị đình chỉ công tác để xem xét, xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, liên quan đến các vụ việc này.

Các biện pháp xử lý tưởng chừng rất mạnh mẽ, quyết liệt, nhưng xem ra chỉ giải quyết được phần ngọn. Bởi cái gốc của vấn đề là buông lỏng quản lý, để rừng bị hủy hoại, đồi núi đã bị san bằng, sạt lở, bồi lấp và hàng hoạt hệ lụy khác đã xảy ra... Có phạt tiền dân, có kỷ luật cán bộ thì cũng không thể "đắp" lại núi đồi, phục hồi nguyên trạng các địa hình tự nhiên, vốn ổn định hàng trăm năm.

Không chỉ riêng TP Bảo Lộc, Đà Lạt, Lâm Đồng, mà địa phương liền kề là Đắk Nông cũng vướng vào thực trạng tương tự. Chỉ tính từ năm 2022 đến hết tháng 5.2023, ở TP Gia Nghĩa đã ban hành đến 125 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Nhưng chỉ có 16 trường hợp đã khắc phục hậu quả. 109 trường hợp còn lại vẫn "cố thủ".

Xây dựng trái phép trên đất rừng, san bằng đồi núi, cả ngàn m2, nhưng chỉ bị phạt vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng, rồi không cưỡng chế tháo dỡ công trình xây trái phép, không buộc hoàn thổ, trả nguyên hiện trạng, thậm chí nhiều trường hợp "để lâu cứt trâu hóa bùn", cho tồn tại, hợp thức hóa... thì người vi phạm quá lợi. Chi phí "rẻ" hơn nhiều so với việc mua một thửa đất tương tự.

Bởi vậy, việc xử lý không triệt để đã khiến thực trạng xâm hại, hủy hoại đất đai xảy ra ngày càng nhiều ở các địa phương. Nhất là khu vực Tây Nguyên.

Phạt thật nặng các trường hợp vi phạm, xử lý kỷ luật cán bộ quản lý thôi, vẫn chưa đủ. Đối với các trường hợp tái phạm, hoặc buông lỏng quản lý, có dấu hiệu móc ngoặc với người vi phạm để cho tồn tại, hợp thức hóa giấy tờ đất... thì cần xem xét, khởi tố hình sự.

Nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Đặc biệt là các trường hợp gây ra hậu quả về môi trường như sụt trượt, sạt lở, ngập lụt... đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng, ở ngay các địa phương trên cao nguyên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn