MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thi công dự án Vành đai 3 TPHCM đoạn qua huyện Củ Chi. Ảnh: Anh Tú

Ủng hộ đề xuất nhập cát từ Campuchia làm dự án đường Vành đai 3 - TPHCM

Lê Thanh Phong LDO | 03/07/2024 09:35

Một trong những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện dự án đường Vành đai 3 ở TPHCM là thiếu cát, và giải pháp đưa ra là nhập cát từ Campuchia.

Thông báo ngày kết luận của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi liên quan xây dựng dự án đường vành đai 3 ngày 28.6 có nội dung: "Giao Sở Xây dựng khẩn trương chủ trì, phối hợp với Ban Giao thông tham mưu, đề xuất và dự thảo Công văn UBND TP gửi Bộ Xây dựng để hướng dẫn liên quan đến phương án bù giá cho khối lượng cát Campuchia phục vụ dự án, trình trước ngày 5.7.2024".

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương phía Nam chiều 24.6 ông Phan Văn Mãi cho biết: "Để xử lý nguồn cát thiếu, một số nhà thầu đã mua cát Campuchia. Phương án này TPHCM ủng hộ, mặc dù có thể sẽ phải chi bù chênh lệch giá, bởi phương pháp này về lâu dài có thể hạn chế tài nguyên cát trong nước".

Lượng cát đắp nền đường cho dự án đường vành đai 3 TPHCM khoảng 9,3 triệu m3, đây là con số quá lớn, khó có thể đủ nguồn cung cấp từ trong nước. Các doanh nghiệp tham gia dự án tập trung máy móc thiết bị, nhân lực để triển khai các hạng mục công trình, nhưng không có cát thì mọi thứ đều bị ảnh hưởng tiến độ.

Một số tỉnh ĐBSCL hứa cung cấp cát dự án đường Vành đai 3, nhưng cũng không thể đủ. Chưa kể, có nhiều dự án cao tốc và hạ tầng giao thông đang triển khai khu vực này, nguồn cát cũng là một mối lo của chủ đầu tư và các nhà thầu.

Các mỏ cát ở trong khu vực đã cạn kiệt, thậm chí có nơi khai thác vượt giấy phép, nếu cứ tiếp tục nạo vét đến tận cùng thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên, các thảm họa khác sẽ xảy ra.

Một thông tin đáng báo động được đưa ra tại hội nghị Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL lần thứ 4 diễn ra ngày 1.7 ở Cà Mau, đó là ước tính mỗi năm khu vực này mất từ 300ha đến 500ha đất và hàng chục nghìn hộ dân có nguy cơ phải di dời khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở.

Điều này cho thấy, nếu cứ khai thác cát bất chấp bảo vệ môi trường, thì con số diện tích đất sạt lở và hộ dân mất nhà sẽ không dừng lại.

Cho nên, đề xuất nhập cát từ Campuchia có bù giá cho doanh nghiệp của TPHCM rất phù hợp. Trước hết là chủ động nguồn cát để triển khai dự án đúng tiến độ, nếu để dự án kéo dài, đội vốn, không đưa vào khai thác sớm, thì thiệt hại là không thể tính hết.

Thứ hai là tránh "tận diệt" nguồn cát ở các con sông trong nước, để sông còn tái tạo nguồn cát, làm "của để dành" cho ngày mai.

Thứ ba là bảo vệ môi trường, hạn chế sạt lở, mất đất đai và tài sản của người dân.

Nhưng có hai việc phải chấp hành thật nghiêm, đó là không nhập cát lậu, không sử dụng cát kém chất lượng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn