MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đề nghị chọn phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe. Ảnh: Phạm Đông

Ủng hộ phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi lái xe

Hoàng Văn Minh LDO | 17/03/2024 15:52

Câu chuyện cấm hay không cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế khi lái xe đã sắp có hồi kết khi 100% ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án cấm tuyệt đối.

Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) hôm 15.3 vừa công bố một báo cáo rất đáng chú ý. Trong năm 2023, ngành bia giảm 11% doanh thu, và 23% lợi nhuận trước thuế.

Theo VBA thì chính sách kiểm soát nồng độ cồn là một trong nguyên nhân khiến tiêu dùng bia giảm mạnh, nhất là ở kênh nhà hàng, quán ăn. “Nhiều nhà hàng, các khu du lịch vắng khách không kinh doanh được kéo theo lao động, doanh thu, lợi nhuận, ngân sách đều giảm", đại diện VBA cho biết.

Có sự trùng hợp là cũng trong ngày 15.3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới thì hiện đang có 2 phương án đại diện cho 2 luồng ý kiến liên quan đến việc quy định nồng độ cồn đối với tài xế khi lái xe trong dự thảo luật. Phương án 1 là cấm tuyệt đối. Phương án thứ 2 là cần có giới hạn thấp nhất nồng độ cồn.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án 1 để báo cáo Quốc hội. Và tại phiên thảo luận, 100% ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn.

Dù rằng, phương án này có nhiều “nhược điểm” như việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn ảnh hưởng nhất định đến một số hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của một số địa phương.

Và điều này cũng làm giảm sức tiêu thụ đồ uống có cồn, từ đó làm ảnh hưởng nhất định các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, cung ứng, tiêu thụ rượu, bia của nước ta, dẫn đến doanh thu trong lĩnh vực này giảm sút như VBA vừa báo cáo.

Nghĩa là, sẽ buộc phải “hy sinh”, đánh đổi một số lợi ích kinh tế nhất định. Nhưng bù lại, nói như Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới là “phương án này đã được thực tiễn kiểm nghiệm phát huy kết quả tốt. Số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia giảm”.

Đây cũng là "phương án 1 với mục mục đích phòng ngừa, làm giảm những rủi ro, thiệt hại tiềm tàng do việc sử dụng rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông gây ra, được các nhà khoa học ủng hộ".

Trong thực tế thì phương án 1 đã và đang được áp dụng lâu nay. Và mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt là cách vận hành của lực lượng chấp pháp, nhưng quy định cấm này đã từng bước đi vào cuộc sống, được đông đảo người dân đồng tình thực hiện.

Như vậy là câu chuyện cấm hay không cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với tài xế khi lái xe chỉ còn một bước trình Quốc hội trong kỳ họp tới đây nữa, nếu được thông qua thì sẽ là một phần quan trọng của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Tuy vậy trước mắt, phương án này vẫn cần nhiều hơn những tiếng nói đồng tình, đồng thuận của không chỉ "những nhà khoa học" mà toàn thể người dân. Làm sao để slogan “đã uống rượu, bia thì không lái xe” dần trở thành một nếp văn hóa, một mệnh lệnh từ chính những tài xế chứ không phải có phần hô hào cho có lệ như xưa nay!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn