MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT 2+2. Ảnh: Vân Trang

Ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn

Lê Thanh Phong LDO | 31/10/2023 06:20

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến khảo sát phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Cụ thể, có 3 phương án được đưa ra như sau:

Phương án 4+2 với 4 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12;

Phương án 3+2 với 3 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn lựa chọn;

Phương án 2+2 với 2 môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn lựa chọn.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, PGS.TS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 cho biết, ông ủng hộ phương án 2+2.

Theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, phương án này phù hợp với tất cả các tiêu chí và nguyên tắc mà Bộ GDĐT nêu lên, nhất là đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH của Quốc hội: “Gọn nhẹ, giảm áp lực, giảm thời gian, đỡ tốn kém mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cung cấp dữ liệu cho việc tuyển sinh”.

Ý kiến trên rất đáng quan tâm, lắng nghe, bởi vì rất phù hợp với thực tế hiện nay, học sinh chỉ cần thi ít môn học cũng đủ để đánh giá năng lực.

Thi hai môn Toán và Ngữ Văn, là hai môn quan trọng, căn bản, thể hiện trình độ, tư duy của học sinh. Chưa kể, còn hai môn lựa chọn, đủ để đánh giá kiến thức của học sinh.

Theo phương án 2+2 sẽ giảm áp lực cho học sinh, nhưng cũng bảo đảm chất lượng học tập, thi cử.

Cải cách giáo dục là cải cách thi cử, đừng đưa quá nhiều môn bắt buộc phải thi để học sinh căng mình nhồi nhét, khai thác tối đa trí nhớ để nhớ những kiến thức mà thực ra, chỉ cần "click" con chuột là có đầy đủ.

Học sinh còn con đường dài cho học tập, vào đại học, sau đại học. Đó là một quá trình tích lũy, và quan trọng là nghiên cứu, sáng tạo. Hãy dành sức khỏe thể chất, tinh thần cho chặng đường phía trước.

Bỏ bớt môn thi bắt buộc là bỏ bớt một phần công việc "học gạo", học đối phó, hướng đến tư duy sáng tạo, đột phá, tìm kiếm cái mới.

Điều quan trọng là, mặc dù chỉ thi 2 môn bắt buộc và hai môn lựa chọn, nhưng đề ra phải đảm bảo học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, đồng thời có sự thử thách về trí thông minh, óc tưởng tượng.

Những đề thi đó gọi là "đề mở", có nghĩa là dành không gian cho trí tưởng tượng thể hiện.

Chúng ta từng biết có những học sinh làm bài luận văn tuyệt vời, xúc động và giàu tính sáng tạo, bay bổng. Đâu cần phải học "cày", để rồi đi thi chỉ là trả bài, ai cũng như ai, không lóe sáng hạt mầm tài năng.

Xin lưu ý thêm một điều, ở các trường đại học danh tiếng trên thế giới, một trong những điều kiện để cấp học bổng cho sinh viên, đó là người xin học bổng viết một bài luận văn về đề tài nào đó, có chất lượng, thuyết phục được hội đồng tuyển chọn.

Bởi vì, đọc bài luận văn đó, sẽ biết người viết là ai. "Văn là người" chính là vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn