MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ước mơ của người lao động

Lê Thanh Phong LDO | 01/05/2015 08:35
Ngày 1.5.1886, cách đây 129 năm, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã bãi công vì yêu sách ngày làm việc 8 giờ không được đáp ứng. Lịch sử giải cấp công nhân thế giới có một trang đẫm máu trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, quyền sống cho ra con người của một con người. Ngày 1.5 trở thành ngày Quốc tế Lao động, tôn vinh người lao động trong hơn một thế kỷ qua.
Công nhân lao động phải được bảo vệ quyền lợi hợp pháp, được chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần. Đây không phải là khẩu hiệu mà được quy định bằng pháp luật.

Tuy nhiên, con người sống không chỉ với đời sống "tinh thần", mà cần phải có cơm ăn, áo mặc. Thực tế mà chúng ta đang đối diện, đó là đa số công nhân lao động chưa có được đời sống tốt, bị vắt kiệt sức trong các nhà máy nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc. Nhiều người ngoài làm 8 tiếng một ngày, còn phải làm tăng ca để kiếm thêm đồng tiền bù đắp cho sự thiếu thốn. Ai cũng muốn nghỉ ngơi để bảo đảm sức khoẻ, dành thời gian cho bản thân, gia đình, nhưng họ không có lựa chọn nào khác. Ai cũng muốn có đời sống tinh thần phong phú, nhưng đồng lương chưa đủ đảm bảo đời sống vật chất, thì chưa nói đến đời sống tinh thần.

Người lao động thu nhập thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do năng suất lao động thấp. Năng suất lao động của công nhân Việt Nam thấp có phải lỗi của người lao động không, chắc chắn là không, mà đó là do mặt bằng đào tạo chung của toàn xã hội. Bằng chứng, cũng công nhân Việt Nam, nhưng khi ra nước ngoài, hoà nhập vào các môi trường công nghiệp ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và nhiều nước khác, thì năng suất lao động cũng bằng công nhân của nước sở tại. Như vậy, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động trong vấn đề này.

Công nhân lao động đều chăm chỉ làm việc, mong muốn có thu nhập ổn định và phù hợp, nhưng đến nay đồng lương đủ sống vẫn chỉ là mơ ước. Chính vì đồng lương chưa đủ sống cho nên dù chủ doanh nghiệp không yêu cầu thì họ cũng xin làm tăng ca để có thêm thu nhập. Cho đến hôm nay, công nhân còn xin làm tăng ca là điều rất đáng buồn.

Hãy nhìn sang các quốc gia khác, sẽ thấy người lao động của họ không cần phải đấu tranh để đòi giảm giờ làm, bởi vì họ chỉ làm khoảng 35 giờ một tuần mà vẫn có cuộc sống tốt đẹp. 

Nhân Ngày Quốc tế lao động, xin được nói lên nguyện vọng chung của công nhân lao động Việt Nam, đó là sẽ sớm có ngày được làm việc và được thụ hưởng cuộc sống như người lao động của các quốc gia phát triển.



 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn