MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương. Ảnh: Minh Quân

Vận động viên bị ăn chặn tiền thưởng, còn bao nhiêu "cây kim trong bọc" của ngành Thể thao?

LÊ VINH LDO | 18/01/2024 08:59

Ngay những ngày đầu năm mới 2024, thể thao Việt Nam lại “vỡ” một câu chuyện khác và tất nhiên, chẳng vui vẻ chút nào.

Vận động viên môn Thể dục dụng cụ Phạm Như Phương tuyên bố giải nghệ ở tuổi 20 và khẳng định, đó là quyết định đã được “suy nghĩ kĩ chứ không hề bốc đồng”. Ở chiều thông tin phát đi, 20 có thể vẫn còn trẻ tuổi đời, nhưng với 13 năm tập luyện, thi đấu và trải qua nhiều chuyện nội bộ, thật khó để nhìn vào đó như một sự bốc đồng.

Rõ ràng, đó là một sự chịu đựng kéo dài trước khi - chỉ vì một vấn đề khác, khiến câu chuyện được bung ra và trở nên nghiêm trọng.

Cơ quan quản lý của ngành Thể thao đã vào cuộc, những quyết định ban đầu đã được đưa ra. Dĩ nhiên, không thể vui, dù trong bất kỳ phương diện nào, với bất kỳ cá nhân nào, kể cả từ phía vận động viên, người vẫn gọi huấn luyện viên của mình là “mẹ”.

Ở đây, chúng ta không phán xét về hành động “thu phế” từ tiền thưởng hay thu tiền quỹ một cách khó hiểu của huấn luyện viên để làm gì, cũng không bàn sâu chuyện vận động viên rơi vào trạng thái “giọt nước tràn ly” để đối đầu người thân với mình trong nhiều năm. Câu chuyện ở đây là, với ngành Thể thao, còn bao nhiêu “cây kim vẫn chưa chọc thủng lớp bọc”?

Dấu hỏi về công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. Hẳn nhiên, báo cáo mỗi năm đều rất dài về thành tích, nhưng trong tham vọng đưa nền thể thao nước nhà đi lên, chính những vấn đề trong nền tảng, từ cơ sở, từ chân đế lại làm suy yếu đến từng chi tiết - từ tài năng, tinh thần của vận động viên cho đến niềm tin của người hâm mộ.

Phải chăng, cơ quan lãnh đạo của ngành Thể thao vẫn cứ phải chạy theo và xử lý từng vụ việc được phát hiện một cách nhỏ lẻ, mà không có hành động nào thể hiện được sự nghiêm khắc đối với những vi phạm?

Mới nửa cuối năm ngoái thôi, chuyện cắt xén tiền ăn của vận động viên ở đội bóng bàn trẻ quốc gia đã khiến cả xã hội quan tâm. Và rồi, khi các huấn luyện viên của đội chỉ phải nhận quyết định thôi không làm nhiệm vụ nữa, đồng thời trả lại số tiền “giữ hộ các vận động viên”, nó như một sự… hòa cả làng vậy.

Cũng giống như đề xuất “cho khắc phục hậu quả, giảm xử lý hình sự trong phòng chống tham nhũng”, yếu tố răn đe là không đủ trọng lượng. Người ta hoàn toàn nghĩ đến một phương án khác, chứ không hề sợ.

Và một trong những gạch đầu dòng của kết luận là “tiếp tục rà soát”…

Thế nhưng, sau tiết lộ của vận động viên Như Phương - được tiếp nối bởi một số cựu vận động viên khác về vấn đề tương tự, người ta hiểu rằng, vẫn còn nhiều, rất nhiều, cây kim khác đang tồn tại, tạo nên sự nhức nhối trong một nhóm, một bộ phận nào đó. Chỉ chờ đến khi vượt quá sức chịu đựng là sẽ lòi ra…

Và xã hội lại xôn xao, cơ quan quản lý lại phải “chạy theo”…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn