MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đạo diễn Lê Hoàng (giữa) Ảnh: cắt từ clip chương trình

Văn hóa nhìn từ chuyện Lê Hoàng "quát" Công Hoàng trên tivi

Lê Thanh Phong LDO | 01/12/2021 12:26

Công Hoàng - chàng trai 30 tuổi nói giọng Huế đi tìm bạn gái với thông điệp: "Chúng ta sẽ ly hôn nếu em không sinh được con trai", sau đó là phản ứng dữ dội của đạo diễn Lê Hoàng.

Đó là một phần trong chương trình game show hẹn hò phát sóng trên VTV và đang gây tranh luận gay gắt liên quan văn hóa Huế.

Nếu ly hôn khi vợ không sinh con trai là quan điểm cá nhân của Công Hoàng thì chẳng có gì quan trọng, nhưng qua những lập luận, bạn đã cho rằng đó là văn hóa Huế. Bạn đã đi quá xa và người Huế phản ứng dữ dội cũng vì lý do này.

Cũng giống như Công Hoàng khẳng định ở Huế, khi giỗ kỵ, mâm trên là đàn ông với của ngon vật lạ, còn mâm dưới là đàn bà với thức ăn bị dư thừa.

Một chàng trai lên tivi nói những điều về văn hóa truyền thống của một địa phương, có thể cho đây là người làm chương trình câu view. Nhưng không đơn giản như vậy, bởi vì người xem chương trình có thể hiểu sai về văn hóa của một vùng đất.

Văn hóa Huế, ở đây là gia phong, gia quy, gia đình, không dễ dàng để nói đôi câu, chưa kể là nói không trúng. Huế không có chuyện "mâm trên, mâm dưới", xem phụ nữ chỉ ngồi dưới bếp ăn thứ dư thừa.

Nếu có ai đó quan tâm đến khái niệm "nội tướng" thì sẽ hiểu phụ nữ Huế thể hiện vai trò nội tướng của mình như thế nào. Nội tướng là "tướng trong nhà" đó, hay nói hiện đại và dễ hiểu hơn là quản lý gia đình. Chỉ riêng hai chữ "nội tướng" thôi, cũng cho thấy được một phần "chân dung văn hóa gia đình" của người Huế, và chứng minh người phụ nữ Huế không phải ngồi "mâm dưới" như lầm tưởng.

Còn chuyện mong sinh con trai để nối dõi tông đường là quan niệm của không ít  gia đình trong xã hội Việt Nam, không riêng gì miền Trung, Nam hay Bắc.

Tuy nhiên, quan niệm này dần được thay đổi, đến nay nhiều gia đình không còn xem chuyện này làm trọng. Thậm chí, có người còn cho rằng thích sinh con gái hơn. Đối với các bạn trẻ ở lứa tuổi như Công Hoàng, chắc chắn còn tiến bộ hơn trong cách nhìn về bình đẳng nam nữ.

Về clip trên, nhiều ý kiến cho rằng, giả sử có một chàng trai Huế nói năng ấu trĩ, tư duy cổ hủ, thì đó không phải là đại diện cho người Huế. Thông tin anh ta cung cấp cũng không đúng sự thật. Cho nên, "ông đạo diễn và ekip kia, thay vì giãy đành đạch phản đối chàng trai, cần phải giãy để chương trình này đừng lên sóng".

Hoặc, người có trách nhiệm kiểm duyệt nội dung chương trình game show hẹn hò cần phải xử lý những phát ngôn hay tình huống không phù hợp, phi văn hóa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn