MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tụ tập, ùn tắc tại trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang. Ảnh: VnExpress.

Văn hóa trách nhiệm, nhìn từ điểm nóng BOT Cai Lậy

QUANG ĐẠI LDO | 16/12/2017 13:30
Đến nay, mặc dù vụ việc ùn tắc, mất an ninh trật tự ở trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) diễn ra nhiều lần, trong thời gian dài gây nhiều hệ lụy tiêu cực và vẫn còn chưa được tháo gỡ, nhưng không thấy tập thể, cá nhân nào chính thức đứng ra nhận trách nhiệm?

Khi Thủ tướng phải đứng ra chỉ đạo, chủ trì bàn giải pháp, thì sự việc liên quan đến BOT Cai Lậy không thể nói là bình thường. Hệ lụy của nó, cũng không hề nhỏ: gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng an ninh, trật tự địa phương, gây thiệt hại về kinh tế cho cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân…

Theo thông tin từ Bộ GTVT, dự án BOT Cai Lậy đã được xây dựng, thực hiện đúng quy trình, đúng quy định của pháp luật, vị trí đặt trạm thu phí đã được sự đồng thuận của nhiều cơ quan chức năng tỉnh Tiền Giang. Mặt khác, đã có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra về các vấn đề của dự án, đã có kết luận.

Phía doanh nghiệp cũng khẳng định dự án được triển khai, thực hiện với đầy đủ các thủ tục, có hợp đồng BOT và sự cho phép của cơ quan chức năng.

Vậy, phải chăng lỗi thuộc về người dân, các “Thượng đế”? Rõ ràng cách nhìn nhận theo hướng quy trách nhiệm cho người dân là không thỏa đáng. Giới luật sư cho rằng, hành vi của người dân trong vụ Cai Lậy, là hợp pháp. Không có quy định cấm sử dụng tiền lẻ, hay quay đầu xe, thắc mắc về các vấn đề thu phí…

Nguyện vọng, phản ứng của người dân là chính đáng, bởi vì những cái “lỗi”, bất hợp lý thuộc về dự án này mà ngay cả cơ quan chức năng cũng đã nhận thấy: tước quyền lựa chọn của người dân; đầu tư kiểu “tráng men” để lấy cớ đặt trạm thu phí trên quốc lộ; vị trí đặt trạm, giá vé bất hợp lý, không có sự thăm dò, lấy ý kiến cộng đồng…

Tại cuộc làm việc ngày 4.12, về vụ BOT Cai Lậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, có những vấn đề đúng pháp luật, đúng quy trình nhưng không phù hợp thực tiễn, không hợp lòng dân thì chúng ta vẫn phải nghiêm túc lắng nghe, cầu thị tiếp thu để sửa chữa. 

Trong thực tế, có những quy định, quy trình “không phù hợp với thực tiễn, với lòng dân”, thiết nghĩ cần rà soát, xem xét trách nhiệm những người đã soạn thảo, tham mưu văn bản. Mặt khác, cán bộ thực hiện công việc, tham gia dự án “không phù hợp với thực tiễn, với lòng dân” gây hậu quả cũng không thể “phủi” trách nhiệm.

Bên cạnh giải pháp đồng bộ, hiệu quả để nhanh chóng giải quyết tồn tại, tháo gỡ bế tắc tại Cai Lậy, cần tìm ra nguyên nhân, xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đã gây ra vụ việc. Đây là điều mà dư luận mong mỏi với ý thức về sự công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật, ngăn chặn những vụ việc đáng tiếc về sau.

Hi vọng vụ việc sẽ được xử lý rốt ráo, không có chuyện “hòa cả làng”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn