MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không đốt vàng mã là văn minh Ảnh: LĐO

Văn minh "bốn chấm không" nhưng đốt vàng mã để mặc cả với người âm

Lê Thanh Phong LDO | 30/01/2022 20:20
Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tổ chức, thực hành các nghi lễ trong dịp Tết Nhâm Dần trang nghiêm, không tập trung đông người, không đốt vàng mã, tránh mê tín dị đoan.

Những yêu cầu hết sức thiết thực, văn minh, hợp đạo pháp.

Dù Việt Nam kiểm soát dịch rất tốt, đã tiêm chủng vaccine COVID-19 đạt tỉ lệ rất cao, nhưng không thể chủ quan mà phải luôn chấp hành nghiêm các quy định hiện hành của ngành y tế. Trong đó có quy định không tập trung đông người.

Đã có nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng đóng cửa không hoạt động để phòng dịch, một sự "hy sinh" tạm thời để giữ lợi ích lâu dài. Để dịch bùng phát trở lại thì nền kinh tế sẽ suy yếu hơn, gặp nhiều nguy hiểm hơn và khó phục hồi hơn.

UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã chính thức thông báo tạm dừng tổ chức lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương) năm 2022, đó là một cách để ngăn chặn "không tập trung đông người". Các đền chùa khác nên thực hiện nghiêm như huyện Mỹ Đức và Chùa Hương.

Tạm thời đóng cửa một địa chỉ hành hương rất dễ, nhưng cấm đốt vàng mã lại rất khó. Đã nhiều lần Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng kêu gọi "không đốt vàng mã", nhưng gần như không có tác dụng. Ở các đền chùa miếu mạo, nhà riêng, tục đốt vàng mã vẫn diễn ra và dường như ngày càng nặng nề hơn.

Thời "bốn chấm không", chuyển đổi số mà tay đốt vàng mã. Người ta vẫn "u mê ám chướng" vào chuyện cầu khấn người âm phù hộ độ trì cho giàu có, thăng quan tiến chức nên "hối lộ" của cải. Nào là vàng, đô la, nhà lầu, xe hơi... không thiếu thứ gì.

Có nhiều người đốt vàng mã theo thói quen "xưa bày nay làm", nhưng không ít người được người dương hối lộ nhiều quá thành quen, nên đi "hối lộ" người âm để trên cõi dương có thêm được nhiều người đến hối lộ.

Triết học Phật giáo mang tư tưởng hòa hợp với thiên nhiên, quý trọng và bảo vệ vạn vật, cho nên không thể chấp nhận hủ tục rải vàng mã ra đường, đổ vàng mã xuống sông gây ô nhiễm môi trường.

Chưa kể, có rất nhiều vụ cháy nhà, cháy rừng có nguyên nhân từ đốt vàng mã. Cái lợi từ hủ tục này không thấy, nhưng cái hại thì nhãn tiền.

Mê tín dị đoan cũng là hủ tục đang "phát triển" trong xã hội. Nhiều người thực hiện những hành vi mà Giáo hội Phật giáo cảnh báo là có "nội dung nghi lễ không đúng chính pháp", hay nói thẳng ra là mê tín. Buôn thần bán thánh, mặc cả với thần linh để cầu phúc lộc là phi tôn giáo và cũng xa lạ với đạo đức làm người.

Bỏ hủ tục đốt vàng mã và thói mê tín dị đoan không được thì đừng nói đến chuyện "bốn chấm không" hay chuyển đổi số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn