MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vấn nạn họp

Lê Thanh Phong LDO | 04/12/2018 08:41
Báo chí đã lên tiếng phê phán về tệ nạn hội họp. Cán bộ nhà nước cũng kêu ca rằng họp quá nhiều không còn thời gian giải quyết công việc. Người dân phản ánh đến nhiều cơ quan nhà nước nhưng không ai giải quyết công việc vì lãnh đạo bận họp.

Báo cáo của Ủy ban Dân nguyện tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV nêu: Đất nước có 63 tỉnh, thành, nhưng chỉ có 3 Chủ tịch tỉnh Tuyên Quang, Tiền Giang, Sóc Trăng tiếp dân đủ và vượt số ngày quy định trong 1 năm.

Một trong những lý do không tiếp dân là vì bận họp.

Vì họp là “địa phương nạn”, “quốc gia nạn”, cho nên ở nhiều nơi, nhiều cơ quan, đã tổ chức không biết bao nhiêu cuộc họp bàn giải pháp giảm hội họp, nhưng đến nay vẫn chưa thấy giải pháp nào áp dụng hiệu quả. Có lẽ sẽ cần đến nhiều cuộc họp khác nữa để bàn về vấn đề này.

Trong lúc chờ đợi một giải pháp áp dụng khả thi, thì họp vẫn lây lan như một loại dịch bệnh trong cơ thể nền hành chính quốc gia. Bạn đọc còn nhớ chuyện ông Phan Văn Kha - Giám đốc Sở Công Thương TP.Đà Nẵng, tuy đã có 2 phó giám đốc, nhưng vẫn đề xuất tăng cường 1 phó giám đốc sở vì tình hình là không đủ lãnh đạo để đi họp.

Cũng mới đây thôi, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, ông Sử Ngọc Anh công bố: “Với 4 người trong ban giám đốc, trong 7 tháng đầu năm 2017, lãnh đạo phải dự hơn... 2.000 cuộc họp, bình quân mỗi lãnh đạo sở họp 3-4 cuộc/ngày là bình thường, chưa kể họp đột xuất, họp phát sinh.

Xin được nhắc lại hai trường hợp điển hình để nói về thực trạng chung hiện nay, và cũng để thấy dân mình đang nuôi rất nhiều “thợ họp” dán nhãn công chức.

Còn một điều rất đáng phê phán, đó là tổ chức họp kết hợp du lịch. Trên thực tế, có nhiều cuộc họp kéo dài hai, ba ngày, được tổ chức ở một thành phố du lịch để cho đại biểu tham dự được đi tham quan, nghỉ mát. Cán bộ đi lại máy bay, ôtô, ở khách sạn, ăn uống tiệc tùng, vô cùng lãng phí ngân sách.

Để dẹp được nạn lớn này, trước hết là xây dựng và vận hành chính quyền điện tử hiệu quả. Khai thác công nghệ thông tin và các sản phẩm công nghệ phục vụ cho quản lý hành chính thì sẽ giảm họp.

Thứ hai là sáp nhập, tinh gọn bộ máy, đội ngũ công chức. Ví dụ như Cần Thơ, Lào Cai, Hà Giang mới đây là sáp nhập một số sở, riêng Cần Thơ dẹp 45 ban chỉ đạo, giảm biên chế 2.000 trường hợp. Dẹp bớt được một cơ quan, một đơn vị là dẹp bớt một đầu mối của hội họp. Giảm biên chế càng nhiều thì càng giảm được họp.

Đừng để nhân dân nhìn nghề làm cán bộ là nghề họp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn