MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vẫn phải băn khoăn thưa GS Ngô Bảo Châu

Lê Thanh Phong LDO | 11/09/2017 06:23
“Đừng băn khoăn về vật chất khi chọn nghề giáo bởi thứ đáng quý của nghề là được truyền đạt tri thức nhân loại cho thế hệ mai sau. Nếu sau này các bạn trở thành những giáo viên giỏi, dạy được nhiều học trò giỏi thì tự khắc vị thế của ngành sư phạm sẽ được nâng cao hơn nữa”, GS Ngô Bảo Châu nói với sinh viên Huế tại Trường Đại học Sư phạm - ĐH Huế.

Trong bối cảnh ngành sư phạm bị quay lưng, điểm vào trường sư phạm thấp nhất thì câu nói của GS Ngô Bảo Châu như thổi lên ngọn lửa nhiệt huyết cho sinh viên lựa chọn nghề giáo.

Đúng là nghề giáo được xã hội quý trọng, người xưa đặt thầy lên vị trí như vua và cha, “quân sư phụ, tam cang giả. Qua chuyến đò, đò ngã, cứu ai?”. Ý nói quân, sư, phụ là ba bậc mà mỗi người đều phải tôn trọng, yêu thương và quan tâm đến.

Nhưng có một thực tế mà GS Châu chắc cũng chia sẻ, đó là ngày nay, có nhiều giá trị bị đảo lộn hoặc bị mai một. Và giá trị của người thầy trong mắt cộng đồng không còn được như xưa.

Vì sao? Có nhiều lý do, trong đó có một lý do mà giáo sư đã đề cập đến, đó là “băn khoăn vật chất”. Thu nhập của nghề giáo thấp, thậm chí không đủ sống, cho nên xã hội không xem trọng, đó cũng là một thực tế không thể không thừa nhận.

Ý của GS Ngô Bảo Châu là đừng quá nặng nề chuyện vật chất, tiền bạc, mà đã chọn nghề giáo là lựa chọn cách sống thanh bạch, lấy việc truyền đạt tri thức cho thế hệ sau làm tình yêu cuộc sống. Và có lẽ hình ảnh người thầy đẹp đẽ trong mắt cộng đồng chính là vẻ đẹp của tri thức và sự thanh bạch.

Có điều, sự “không băn khoăn” cũng có giới hạn của nó, nếu vượt quá sự chịu đựng thì ai cũng phải băn khoăn. “Vay nợ tràn nước mắt”, “chạy ăn mướt mồ hôi” thì không thể không băn khoăn.

Và muốn thanh bạch thì cũng có một nguồn thu nhập đủ để dưỡng nuôi sự thanh bạch. Thiếu tiền thì giáo viên phải xoay xở đủ cách để sống, liệu có còn thanh bạch hay không?

Chúng ta tin rằng những người theo đuổi ngành sư phạm, các thầy cô đều hướng đến tình yêu nghề nghiệp và sẵn sàng không băn khoăn vật chất như GS Ngô Bảo Châu nói. Nhưng Nhà nước phải đảm bảo cho nghề giáo đồng lương đủ để họ an tâm làm công việc truyền đạt tri thức cho thế hệ mai sau.

Nếu không thì thầy cô giáo vẫn phải băn khoăn, thưa GS Ngô Bảo Châu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn