MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh T bị các đối tượng hành hung gây vết thương hở khá sâu ở tay phải, cánh tay phải. Ảnh: An Long

Vào bệnh viện hành hung nhân viên, lý do gì cũng phải xử lý thật nghiêm

Hoàng Văn Minh LDO | 12/04/2024 10:26

Vấn nạn người dân vào bệnh viện hành hung nhân viên, bác sĩ kéo dài từ nhiều năm nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.

Mới nhất, tối 10.4, anh T, nhân viên Bệnh viện Đa khoa Long An đang làm nhiệm vụ trực trước cửa Khoa Chẩn đoán hình ảnh thì bị nhóm 4 thanh niên đi vào, cầm ghế inox có sẵn trong phòng tấn công, gây vết thương hở khá sâu ở tay phải, cánh tay phải.

Sau đó nhóm đối tượng này còn đập hư màn hình máy vi tính hiện đang sử dụng chẩn đoán hình ảnh bệnh nhân và làm vỡ một cửa kính phòng kỹ thuật.

Với bất cứ lý do gì, chuyện tư hay chuyện công, mâu thuẫn xuất phát từ trong hay ngoài bệnh viện, thì hành vi xông vào bệnh viện để hành hung nhân viên đang thi hành nhiệm vụ, đập phá tài sản như vừa kể ở Bệnh viện Đa khoa Long An là hành vi côn đồ, coi thường pháp luật, không thể nào chấp nhận được.

Đáng nói là hành vi côn đồ, đe dọa tính mạng nhân viên y tế và phá hoại tài sản như thế này không phải là lần đầu tiên xảy ra ở một cơ sở y tế. Mà đây là chuyện khá phổ biến, kéo dài từ nhiều năm nay ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.

Những vụ việc như thế không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn khiến đội ngũ nhân viên y tế trên cả nước luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng.

Đây là điều hết sức vô lý bởi các cơ sở y tế với nhiệm vụ chạy chữa cứu người đúng ra phải là nơi được ý thức gìn giữ và bảo đảm an ninh tốt nhất.

Đằng này rất nhiều nơi, có nơi rất nhiều lần, các nhân viên y tế phải trong cảnh vừa cứu người bệnh vừa nơm nớp lo sợ bị người nhà hay ai đó đến hành hung mình.

Theo luật hiện hành thì hành vi côn đồ như vừa xảy ra ở Bệnh viện Đa khoa Long An sẽ bị xử phạt hành chính về "Vi phạm quy định về trật tự công cộng"; hoặc cơ quan điều tra có thể khởi tố vụ án hình sự về tội "Đe dọa giết người" theo Điều 133 (BLHS 2015); hoặc các đối tượng trên còn có thể bị xử lý hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 nếu anh T, bị thương tích từ 11% trở lên.

Trong thực tế, chỉ tính từ năm 2014 đến nay, đã có ít nhất 6 trên hàng chục vụ hành hung nhân viên y tế được cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm bằng cách khởi tố vụ án, tuyên phạt tù các đối tượng với các tội danh “gây rối trật tự công cộng”, “cố ý gây thương tích”…

Tuy nhiên, có cảm giác là những án phạt như thế này vẫn chưa đủ sức răn đe. Nên việc nhân viên y tế bị hành hung, đe dọa tính mạng… vẫn cứ "tái đi tái lại" như bệnh nan y.

Còn nhớ hồi năm 2022 – năm cao điểm của những vụ nhân viên y tế bị hành hung trên cả nước, Bộ Y tế lúc đó đã phải gửi văn bản “cầu cứu” Bộ Công an nhờ tăng cường các biện pháp bảo vệ cũng như chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa các quy chế phối hợp về vấn đề an ninh trật tự tại các cơ sở khám chữa bệnh từ Trung ương đến địa phương.

Duy trì việc “phòng thủ” thật chặt bằng các biện pháp an ninh và luôn xử lý nghiêm khắc nhất có thể để răn đe, mới là những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn, giải quyết vấn nạn nhân viên cơ sở y tế bị hành hung, đe dọa tính mạng!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn