MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc VAT một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm từ hiện 5% lên 10% sẽ làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình 0,32% (ảnh minh họa). Nguồn: Internet

VAT và “chiếc áo duy nhất” của những người nghèo

Anh Đào LDO | 01/07/2018 09:15

Một đánh giá tác động cho biết việc tăng thuế VAT ảnh hưởng lên tất cả các hộ gia đình. Dự báo tỷ lệ nghèo có thể tăng thêm 0,22% và 202.000 người sẽ rơi vào cảnh nghèo khó. Trái ngược hoàn toàn với dự đoán lạc quan của cơ quan đề xuất thuế, rằng: Tăng VAT không ảnh hưởng đến người nghèo.

Tăng VAT không ảnh hưởng đến người nghèo là một trong những tít báo phổ biến, tràn ngập truyền thông vào cuối tháng 8 năm ngoái, sau một phát ngôn của lãnh đạo Bộ Tài chính.

Nó cũng phổ biến, và nổi tiếng, như phát ngôn “người nghèo mua rau dưa ở chợ không chịu thuế VAT nên tăng VAT lên 12% thì người nghèo không bị ảnh hưởng”.

Ảnh hưởng hay không thì phải có khảo sát, đánh giá tác động chứ không thể chỉ nói suông. Và kết quả nghiên cứu đánh giá tác động của việc tăng thuế VAT lên tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình, vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách công bố ngày cuối tuần cho chúng ta câu trả lời ấy.

Và đây là những gì được công bố:

Việc VAT một số mặt hàng như lương thực, thực phẩm từ hiện 5% lên 10% sẽ làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình 0,32%.

Việc tăng thuế cũng làm giảm phúc lợi của các hộ nghèo nhất khoảng 1,4-1,5%, và hộ có thu nhập cao bị giảm phúc lợi 0,8-1%.

Cụ thể hơn, tỷ lệ nghèo có thể tăng thêm 0,22% và số lượng người nghèo tăng lên 202.000 người.

Như vậy là rất rõ. VAT là thuế lũy thoái, chủ yếu đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa. Một khi đã là thuế gián thu thì tất cả mọi người, kể cả người giàu hay người nghèo đều bị ảnh hưởng. Và nhóm bị ảnh hưởng nhất lại là nhóm cận nghèo. Hay nói cách khác, sẽ có vô số hộ cận nghèo rơi xuống mức nghèo đói nhờ việc tăng thuế.

Nhớ chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long có lần hình ảnh hóa sự tác động, rằng: Một người có 10 hay 100 chiếc áo, nếu chẳng may bị mất hoặc bị rách một vài chiếc sẽ không ảnh hưởng quá nhiều. Tuy nhiên với người sở hữu duy nhất một chiếc áo thì trường hợp nào cũng bị tác động.

Sức ép với nguồn thu ngân sách có thể là một lý do đề những sắc thuế được sửa đổi theo hướng tăng. Nhưng sức cạnh tranh của nền kinh tế, sự tồn tại của cộng đồng doanh nghiệp và đời sống của người dân, mà nhất là “Chiếc áo duy nhất” của người nghèo là những thực tế mà một sắc thuế buộc phải tính đếm. Và tính đếm trong sự cân nhắc lợi/ hại, tích cực/tiêu cực, chứ không phải bằng những cú bấm ngón tay xem thu thêm được bao nhiêu, không phải bằng những lời trấn an như chuyện “người nghèo mua rau ngoài chợ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn