MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các nghi phạm trong đường dây "tín dụng đen" vừa bị Công an TP.HCM triệt phá. Ảnh: Công an cung cấp

Vay “tín dụng đen” để ăn chơi, cờ bạc thì vô phương cứu chữa

Hoàng Văn Minh LDO | 14/08/2023 18:30

Một con số giật mình, vừa được cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai công bố là có đến 60% người vay “tín dụng đen” là để ăn chơi, cờ bạc.

Tại buổi đối thoại với 200 doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai về an ninh trật tự, phòng chống tội phạm, PCCC… mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, Giám đốc Công an Đồng Nai cho biết: Đa số (chiếm 60% số vụ) công nhân và người lao động vay "tín dụng đen" đã dùng tiền này để cờ bạc, chơi ma túy, tiêu xài không chính đáng.

Đây không phải là chuyện chỉ có ở Đồng Nai và cũng không phải lần đầu tiên cơ quan chức năng công bố những thông tin gây sốc liên quan đến “tín dụng đen”.

Còn nhớ tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 của Công an TP.Hồ Chí Minh, lãnh đạo công an thành phố này cho biết thành phần vay "tín dụng đen" rất đa dạng. Và qua khảo sát, số vụ vay nợ với yêu cầu chính đáng rất thấp, trong khi hơn 50% số vụ có người vay nợ nhằm phục vụ nhu cầu ăn chơi, cờ bạc…

“Tín dụng đen” là hoạt động cho vay với lãi suất “cắt cổ”, gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật – theo góc nhìn của cơ quan Công an. Là hoạt động cho vay không được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất rất cao so với quy định, còn gọi là cho vay nặng lãi – theo góc nhìn của Ngân hàng.

Góc nhìn nào thì hoạt động này cũng đã và đang len lỏi vào mọi ngóc ngách, từ thành thị tới nông thôn, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội và khốn đốn cho người dân.

Người dân, đặc biệt là công nhân khó khăn do mất việc làm, giảm thu nhập phải vay tín chấp lãi suất "cắt cổ" để giải quyết nhu cầu thiết yếu thì còn có thể hiểu được.

Tuy nhiên, tìm đến “tín dụng đen” để thoả mãn nhu cầu cờ bạc, ăn chơi, mại dâm... thì không thể nào chấp nhận được, là bệnh vô phương cứu chữa.

Đây là hành vi đáng lên án mạnh mẽ bởi thực tế đã chứng minh hậu quả của việc mất khả năng chi trả khi tìm đến “tín dụng đen” không chỉ mỗi người vay phải chịu mà còn liên luỵ rất lớn đến gia đình, người thân, cơ quan, lãnh đạo của người vay đang làm việc…

Các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc… là các nguyên nhân dẫn đến việc “tín dụng đen” khó xử lý dứt điểm.

Tuy vậy, nói như TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV tại một hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Gia Lai năm 2019 để hạn chế tình trạng tín dụng đen.

Rằng, chế tài xử lý hoạt động tín dụng đen là rất cần thiết nhưng chỉ là phần ngọn của vấn đề. Phần gốc là giáo dục tài chính và làm thế nào để tuyên truyền cho người dân nhận thức được thảm cảnh rình rập từ "tín dụng đen".

Giáo dục tài chính, có lẽ là hi vọng cuối cùng cho tình trạng tìm đến “tín dụng đen” để thoả mãn ăn chơi, cờ bạc... đang ngày một nhiều hơn về con số thống kê.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn