MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phòng trọ công nhân 10m2 ở Đông Anh. Họ đang làm tất cả để có một ngôi nhà, trừ việc kể công, ngại khó muối mặt kêu xin. Ảnh Trần Kiều/LĐO

Về lá đơn xin giữ nhà công vụ của bà cựu thứ trưởng

Anh Đào LDO | 07/08/2020 19:00

72% trong số 2,8 triệu công nhân các khu công nghiệp đang thiếu nhà ở; ngót nửa triệu hộ dân TP HCM không có khả năng sở hữu nhà... Tất cả, không dám kêu than, và càng không dám xin xỏ gì.

Con số ngót nửa triệu, chính xác là 476.000 hộ chưa có nhà ở, hoặc đang phải sống chung với cha mẹ người thân trong những gia đình nhiều thế hệ được công khai trong một hội thảo về nhà ở năm ngoái.

Trong 476.000 hộ ấy, 35.000 đang sống trong những chung cư “chờ sập”, 21.000 sống ven, và trên kênh rạch. Và, đáng chú ý: 20.000 là hộ gia đình cán bộ công chức, viên chức.

Hôm ấy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng xác nhận vẫn còn nhiều người dân, phần lớn là người nhập cư, không có khả năng sở hữu nhà, thậm chí thuê với mức giá phù hợp cũng là điều hết sức khó khăn.

Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng từng thống kê là trong 2,8 triệu công nhân tại các Khu công nghiệp, khu chế xuất trong cả nước thì có tới 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Với chỉ 28.800 căn hộ thuộc 87 dự án nhà ở xã hội cho công nhân đến giờ cũng mới chỉ đáp ứng được... 28% nhu cầu.

72% còn lại đang ở đâu? Đang sống thế nào? Họ đang làm gì để mưu cầu hạnh phúc đơn sơ “ngôi nhà và những đứa trẻ”?

Họ đang thuê trọ trong những "chuồng tôn" trên dưới 10m2, chịu cái nắng nóng như lò thiêu mỗi mùa hè.

Không biết những người dân lương thiện đang đổ mồ hôi để có một ngôi nhà kia xúc cảm ra sao khi đọc những dòng tin một cựu thứ trưởng gửi đơn xin được giữ lại căn hộ 608, rộng 93m2, toà A2, khu nhà công vụ ở Hoàng Cầu, Hà Nội hôm qua.

Không hiểu những công nhân thiếu nhà nghĩ sao về lý do: Chỉ có một căn hộ chung cư, và tự tay hoàn thiện; Lý do: suốt cuộc đời hoạt động của mình, chưa hề nhận được một chính sách nào của Đảng về nhà ở, đất đai hay phương tiện đi lại.

Nhu cầu nhà ở của bà cựu thứ trưởng, cũng như hàng vạn, hàng triệu người dân đang thiếu nhà kia, thật ra cũng cần được quan tâm. Nhưng đó không phải là cách tạo ra một tiền lệ biệt đãi, vượt ra ngoài phạm vi, khuôn khổ của chính sách.

Bởi một xã hội nếu thật sự công bằng, bình đẳng thì không thể có những cá nhân, bộ phận bình đẳng hơn được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn