MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao lại sợ công khai?

Anh Đào LDO | 21/02/2020 07:00

Trong khi tất cả các ứng viên giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) phải công khai lý lịch khoa học thì can cớ gì các thành viên Hội đồng giáo sư nhà nước lại không công khai?

Năm ngoái, dư luận dậy sóng khi hàng loạt các ứng viên GS, PGS có thành tích nổi trội, trong đó có nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế - bị đánh trượt vì hoặc “thiếu tiêu chuẩn cứng”, “thiếu hướng dẫn nghiên cứu sinh” hoặc “không có bằng chứng về số giờ giảng dạy”.

Một cuộc tranh luận rất gắt đã nổ ra sau đó. Nguyên do là tại quyết định 37 yêu cầu ứng viên GS, PGS phải là tác giả chính của 2-5 bài báo hoặc/bằng độc quyền sáng chế.

Các bài báo/bằng độc quyền ấy rất dễ để kiểm tra, bởi cũng theo quyết định 37, đó là “Lý lịch khoa học” mà các ứng viên phải công khai để các đồng nghiệp và xã hội phản biện.

Và tranh luận nổ ra khi các ứng viên thì phải công khai, trong khi “lý lịch khoa học” các “thầy” trong Hội đồng Giáo sư Nhà nước thì lại không được công bố.

Logic khi đó đơn giản nhưng thuyết phục: Nếu ứng viên cần 2-5 công trình thì các “thầy” trong Hội đồng ngành và Hội đồng Giáo sư Nhà nước cần nhiều hơn, hoặc ít nhất cũng phải bằng. 

Dân trí, dẫn lời một vị GS nhận xét: Để xã hội và cộng đồng khoa học tâm phục và tin tưởng, rất cần công khai lý lịch khoa học của các thành viên Hội đồng.

“Trò” phải công khai thì chẳng có lý nào “thầy” - người quyết định đỗ/trượt, thắng/thua lại không công khai cả.

Ấy thế mà trong dự thảo mới nhất về quy chế tổ chức và hoạt động của các cấp hội đồng giáo sư lại chỉ yêu cầu công khai lý lịch khoa học của các “ủy viên hội đồng”, tức không bao gồm các thành viên khác, dù cũng là “thầy”.

Điểm chú ý là đã có sự khác biệt so với dự thảo lần đầu. Tức là bỏ hoàn toàn yêu cầu công khai danh sách thành viên Hội đồng Giáo sư nhà nước, cùng với bản tóm tắt lý lịch khoa học của mỗi thành viên.

Một bước lùi, không thể nói khác. Và bước lùi ấy vừa tạo ra dị nghị, thắc mắc trong chính giới khoa học. Một bước lùi về sự công bằng.

Không ít liên quan, trong nỗ lực chấm dứt thực tế xây biệt thự, biệt phủ từ “buôn chổi đót”, “nuôi heo”, dự thảo nghị định về kiểm soát tài sản... đề xuất quy định “buộc kê khai” đối với tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên đối với tất cả cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn.

Chúng ta đang hướng tới sự minh bạch, đang mong muốn tiệm cận minh bạch. Vậy thì có lý do gì để chấp nhận việc không công khai lý “lịch học thuật” của các “giáo sư thầy” khi đó không chỉ là yếu tố minh bạch mang tính chất bắt buộc, còn là một thứ văn hóa cần có?! 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn