MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp” ngày 17.5. Ảnh: K.L

Việc buôn bán thịnh để nước không suy

LÊ THANH PHONG LDO | 18/05/2017 11:00
“Việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”, câu nói của chí sĩ Lương Văn Can được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại tại Hội nghị “Đồng hành cùng doanh nghiệp” ngày 17.5.

Quan điểm về trọng thương hơn một thế kỷ trước đến nay vẫn mới nguyên, bởi vì chúng ta chưa thực sự trọng thương bằng hành động thực sự có hiệu quả. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe, đối thoại, “chuyển lời nói thành hành động” để tìm cách cho việc buôn bán được thịnh, để cho quốc dân không suy.

Doanh nghiệp mất sức vì quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều quy định trói tay trói chân, thậm chí phải tốn kém tiền bạc vô lối. Ví dụ trường hợp bà Phạm Kiều Oanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty CP May Nhà Bè - “Mừng rơi nước mắt” khi nghe tin Thông tư 37 được bãi bỏ, bởi vì sẽ không phải tiêu tốn 4.500 USD mỗi tháng cho thủ tục kiểm tra hàm lượng formaldehyde. Còn bao nhiêu quy định khác, sức đâu để doanh nghiệp phát triển.

Điều mà doanh nghiệp bức xúc là các đoàn thanh tra hành hạ, có doanh nghiệp tiếp trên 10 đoàn một năm. Mỗi lần tiếp đoàn thanh tra, doanh nghiệp mất thì giờ đón tiếp, báo cáo, còn sức đâu để tập trung sản xuất kinh doanh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc quyết định không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Một cái ách lớn đã được tháo xuống khỏi vai doanh nghiệp.

Chính phủ tháo gỡ các rào cản, kiến tạo chính sách phù hợp để doanh nghiệp phát triển, nhưng chính doanh nghiệp phải nỗ lực thì việc buôn bán mới thịnh được.

Một nhận định rất đáng lưu ý của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đó là năng lực nội tại và ý chí kinh doanh của nhiều doanh nghiệp còn thấp; thể hiện rõ ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu; năng lực quản trị hạn chế, dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh kém; chủ yếu tham gia ở phân khúc thị trường có giá trị gia tăng thấp.

Một hạn chế khác là dưới 30% các doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ, đây là câu trả lời vì sao năng suất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam thấp.

Những hạn chế trên cũng được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 15.5, đó là doanh nghiệp thành lập mới tăng, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, thiếu các doanh nghiệp lớn làm trụ cột; thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo không cao.

Thực tế nền sản xuất trong nước cho thấy, chúng ta chưa có sản phẩm có giá trị toàn cầu. Thiếu ý chí kinh doanh, không đổi mới, sáng tạo thì việc buôn bán không thể thịnh được. Việc này không chờ đợi ở Chính phủ, mà đòi hỏi năng lực, ý chí của doanh nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn