MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đã có 50 tỉnh thành trên cả nước đã cho học sinh tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến. Ảnh: Hải Nguyễn

Việc học không trông chờ vào mệnh lệnh hành chính

QUANG ĐẠI LDO | 30/08/2021 16:38

Không thể vì khó khăn cục bộ do ảnh hưởng dịch bệnh mà trì hoãn việc học hành của hàng chục triệu học sinh phổ thông, gây ra hiện tượng “tàu dồn toa” trong giáo dục.

Hiện có nhiều ý kiến đề nghị ngành giáo dục các địa phương có dịch bệnh hoãn, lùi thời gian khai giảng năm học mới. Lý do phải học online trong khi nhiều phụ huynh, gia đình đang có người bị nhiễm bệnh, học sinh vùng khó khăn không có phương tiện học, lớp 1, 2 khó khăn trong học trực tuyến.

Những lý do đó đều chính đáng và có cơ sở. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, những trường hợp khó khăn, vướng mắc như trên chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng số hàng chục triệu học sinh phổ thông của cả nước.

Mặt khác, nếu lùi khai giảng, thì sẽ lùi đến khi nào? Không ai đảm bảo 1 vài tháng tới sẽ đẩy lùi được dịch bệnh, nếu trì hoãn việc khai giảng quá lâu sẽ gây ra hiện tượng “tàu dồn toa” với nhiều hệ lụy nặng nề.  

Không nên lấy lý do khó khăn mà lùi, hoãn, dừng việc học của học sinh cả nước. Có quyết tâm sẽ có giải pháp. Thầy cô không dạy được trực tiếp thì dạy trực tuyến, bố mẹ, anh chị kèm cặp con em, phát huy tinh thần tự học.

Sách giáo khoa, tài liệu học tập, thông tin đầy ắp trên mạng, biết cách khai thác vận dụng thì hoàn toàn có thể tự học. Càng khó khăn càng phải học nhiều, tích cực học để tìm việc làm, kiếm sống, tồn tại, thay đổi số phận, đóng góp cho đất nước.

Đương nhiên học trực tuyến, gián tiếp sẽ rất khó khăn. Nhưng không có khó khăn nào không có cách giải quyết, khắc phục. Dịch bệnh cũng như chiến tranh, không thể chờ đợi đầy đủ các điều kiện rồi mới bắt tay vào học. Việc học không có điểm dừng, không chờ đợi mệnh lệnh hành chính, mà học liên tục, suốt đời, học cho bản thân, vì nhu cầu xã hội, vì sự phát triển.

Thời gian tới ngành giáo dục cần nghiên cứu phương án học sinh không cần đến trường, có thể tự học, nếu vượt qua các bài test, bảo đảm chuẩn năng lực đầu ra sẽ được xem xét cấp bằng, chứng chỉ.

Bên cạnh khó khăn, học trực tuyến, tự học có nhiều mặt tích cực là hạn chế kiểu dạy học đọc - chép một chiều, lược bỏ những nội dung lý thuyết hàn lâm, tăng cường ý thức tự giác, tự sáng tạo của người học, tiết kiệm chi phí đi lại. Ngành giáo dục cần giảm tải các nội dung lý thuyết xa rời thực tế, chỉ yêu cầu những kiến thức căn bản nhất.

Những đối tượng đặc biệt, những khó khăn vướng mắc không giải quyết được thì đề xuất, nghiên cứu giải pháp, chính sách đặc thù như đặc cách, dạy bù, dạy bổ túc...

Thiết nghĩ ngành giáo dục các địa phương vẫn cứ nên tổ chức khai giảng, bắt đầu năm học bình thường (trừ 1 số địa phương quá khó khăn như TP HCM-Bình Dương... sẽ có chính sách đặc thù và sự chủ động của địa phương).

Bản chất giáo dục là nhân văn, sáng tạo, vì con người, và không bao giờ lùi bước, khuất phục trước hoàn cảnh. Lịch sử, truyền thống nền giáo dục Việt Nam đã chứng minh điều đó. “Nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo, linh hoạt” sẽ là các “từ khóa” của ngành giáo dục trong năm học mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn