MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ai cũng nhìn thấy việc bấm điện thoại 2 bước cách cuộc vật lộn bắt cướp là không bình thường, nhưng sẽ có bao nhiêu người chọn làm Lục Vân Tiên? Ảnh: cắt từ clip

Viên đại uý "dáng đứng telephone" và chàng Lục Vân Tiên không biết võ

Anh Đào LDO | 19/05/2021 15:12

Cái người bấm bấm điện thoại và không làm gì, chỉ 2 bước cách hiện trường vụ tài xế taxi vật lộn với tên cướp đã bị kỷ luật. Thế còn những người khác thì sao?

“Lúc đó, có 4 - 5 người ở hiện trường nhưng không ai vào can ngăn, chỉ đứng quay bằng điện thoại”- Phạm Văn Thưởng, người cùng tài xế khống chế kẻ giết người trốn nã kể lại.

Thưởng- khi nghe tài xế taxi nói “nó là cướp, nó đâm em", đã không một phút chần chừ, lao vào giữ đối tượng.

Nhưng mà...

Tháng 6.2019, một clip ghi lại vụ tai nạn giao thông trên một giao lộ tại quận Tân Phú, TP HCM khiến dư luận choáng váng.

Trong vòng 11 phút mà clip ghi lại, có 4 ôtô con, 1 chiếc xe tải, 32 chiếc xe máy... đi qua vị trí cô gái trẻ đang nằm bất động trên hè phố, giữa đêm khuya. Tổng cộng ít nhất 38 người. Không một ai giúp đỡ.

Người tài xế taxi gây tai nạn đã dừng xe, đứng nhìn nạn nhân- một đã bất tỉnh, một đang giãy đành đạch - và thản nhiên bỏ đi.

60 năm trước, New York Times từng khiến nước Mỹ sững sờ với bản tin mở đầu bằng câu: Trong hơn nửa tiếng đồng hồ, 38 công dân nghiêm túc... đã bình thản chứng kiến tên sát nhân săn đuổi và đâm một người phụ nữ trong 3 vụ tấn công riêng lẻ. Không một người nào gọi đến cảnh sát trong suốt cuộc hành hung.

Nhưng mà?

Nhưng mà không phải ai cũng như Thưởng. Khi mà hội chứng “kẻ ngoài cuộc”, nói về hiện tượng tâm lý của đám đông - là có thật.

Chúng ta hôm nay ai cũng bất bình đến không chịu nổi hành động của viên đại uý với “dáng đứng telephone”. Ai cũng có thể nói rằng sự vô cảm trong hội chứng “kẻ ngoài cuộc” ấy còn nguy hiểm hơn cả bản thân những cuộc tàn sát, giết chóc. Thế rồi nếu một ngày nào đó chúng ta chứng kiến một cuộc hành hung? Một vụ tai nạn? Một vụ đuối nước? Hay, đối diện với một kẻ cướp?

Các cuộc nghiên cứu tâm lý giải thích nguyên nhân người ta “dửng dưng như không thấy” là hiện tượng tâm lý mang tên “khuyếch tán trách nhiệm”.

Đó là khi đám đông càng đông, người ta càng có tâm lý cho rằng trách nhiệm cứu giúp là thuộc về... ai đó. Chẳng hạn, và nhất là khi trong đó có một viên cảnh sát, một batman, một siêu anh hùng kiểu The Avengers. Ai đó cũng được, miễn là không phải mình.

Tâm lý ấy khiến người ta cho rằng không làm gì là một lựa chọn tối ưu.

Thưởng, hôm qua trả lời báo chí, nói đại khái đó là: việc rất bình thường, người dân ai cũng sẽ làm vậy... Cảm ơn Thưởng, vì sự dũng cảm của anh. Cả vì suy nghĩ rất lương thiện ấy nữa. Đúng là người hùng không nhất thiết phải mặc áo choàng, Lục Vân Tiên cũng chẳng cần phải võ nghệ siêu quần.

Và cũng tiếc cho viên đại uý. Nếu ném béng cái điện thoại để coi việc cứu giúp như một trách nhiệm nghề nghiệp, chẳng phải hôm nay anh đã trở thành một người hùng rồi sao?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn