MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ nữ lao công bị đánh chết. Ảnh: CTV

Viên gạch đập vào đầu nữ công nhân vệ sinh: Báo động về trách nhiệm xã hội

Lê Thanh Phong LDO | 05/04/2021 19:20
Đọc tin nữ công nhân vệ sinh môi trường bị đánh đến chết vì bị hung thủ đập gạch vào đầu, ai cũng bàng hoàng và đau xót.

Dòng tin lạnh ngắt, nữ công nhân vệ sinh môi trường đang dọn rác trước số nhà 302 đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội, bị một nam thanh niên bất ngờ dùng gạch đập liên tiếp vào đầu đến chết.

Một cái chết quá bất ngờ, quá oan ức, quá đau đớn.

Nghi phạm đã bị bắt vì hành vi giết người, và thông tin ban đầu, động cơ giết người là không "động cơ". Hai người không quen biết, không thù oán, không có bất cứ mối dây liên hệ nào dẫn đến hành động giết người dã man như vậy.

Hung thủ đập gạch vào đầu một nữ công nhân lương thiện liên tiếp nhiều cái cho đến chết như đập vào một con kiến. Vì sao vậy?

Nếu nghi phạm là một người bình thường, chứng tỏ xã hội còn tồn tại quá nhiều cái ác. Những thông tin giết người, đâm chém và hành hạ người khác xuất hiện đầy trên báo. Mới nhất, cũng rùng rợn như trong phim hành động với những trò thanh toán của các băng nhóm xã hội đen, đó là vụ chôn sống một nam thanh niên xảy ra ở Nghệ An.

Còn nếu nghi phạm là người có bệnh lý liên quan đến tâm thần, thì việc quản lý loại bệnh nhân này không tốt, gây ra hậu quả quá lớn, còn gì lớn hơn mạng sống con người.

Để cho bệnh nhân tâm thần tự do ngoài cộng đồng là gián tiếp giết người.

Tháng 6.2020, tại TPHCM, xảy ra vụ án người em trai lên cơn tâm thần dùng hung khí đâm chết chị ruột tại nhà riêng. Trước đó, tháng 4.2016, tại Cần Thơ, một thanh niên tâm thần đâm 1 người chết, 3 trẻ em nguy kịch. Năm 2007, một vụ án chấn động gây ra mối bất an cho xã hội, em N.T.H (8 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) đang đứng đọc sách ở nhà sách Nguyễn Văn Cừ, thì bị Lê Thị Tuyết Nga (29 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) dùng dao Thái Lan đâm một nhát vào lưng. Em Hải đã chết sau đó tại bệnh viện.

Theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần - một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình - không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Vậy thì những cái chết của người vô tội là quá oan uổng.

Nếu nghi phạm là kẻ ngáo đá, chắc chắn hắn phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng để cho tệ nạn ma túy hoành hành, người lương thiện bị ngáo đá giết chết hoặc hành hung, đó là trách nhiệm của chính quyền.

Vụ nữ công nhân vệ sinh bị kẻ thủ ác dùng gạch đập vào đầu đến chết đã đặt ra cho xã hội, cho chính quyền những vấn đề phải giải quyết như nêu trên. Nếu không, bất cứ ai trong chúng ta, từ trẻ em đến người già, cũng có thể là nạn nhân của một cục gạch khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn