MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân mong chờ hàng quán được bán tại chỗ Ảnh: LĐO

Virus SARS-CoV-2, bia rượu và cái mốc sau 21h

Lê Thanh Phong LDO | 26/10/2021 12:09

TPHCM chuẩn bị cho mở lại hàng quán bán tại chỗ, nhưng có nhiều quy định gây khó khăn cho người kinh doanh. Có những quy định nghĩ mãi cũng không hiểu có mối liên quan gì tới con virus SARS-CoV-2.

Đầu tiên là quy định hàng quán chỉ bán tới 21h.

Tại sao lại chỉ cho phép mở quán đến 21h thì không ai trả lời cho người dân, trả lời một cách thuyết phục, có căn cứ khoa học, có cơ sở về mặt dịch tễ.

Chẳng lẽ con virus SARS-CoV-2 chỉ hoạt động sau 21h, còn trước đó nó nghỉ ngơi. Hay là con người sau 21h sức khỏe bị yếu đi, nên dễ bị virus tấn công?

Hoặc, vaccine chỉ có tác dụng chống virus SARS-CoV-2 cho đến 21h, cho nên sau mốc thời gian đó phải giải tán về nhà để "ai ở đâu yên đó".

Và xin hỏi, những người không được ngồi với nhau trong hàng quán vì đã đến 21h quán phải đóng cửa, nếu họ tụ tập nơi khác như trong công viên, trên đường phố thì có khác gì về kiểm soát dịch bệnh hay không?

Còn một điều khác mà các nhà quản lý cần phải lưu tâm, đó là nhịp sống đô thị của thành phố lớn, trung tâm kinh tế như TPHCM. Người dân thành phố thường đi hàng quán lúc 19h trở đi, nếu quy định đóng cửa quán lúc 21h thì không buôn bán được.

Cuộc sống có quy luật của nó, thị trường quán ăn, nhà hàng cũng có quy luật của nó, đưa ra quy định không phù hợp với quy luật thì người dân không buôn bán kinh doanh được.

Tất nhiên là dù bán hàng trước hay sau 21 h vẫn phải tuân thủ nghiêm quy định phòng dịch. Hàng quán nào vi phạm cứ xử lý nghiêm.

Thứ hai là quy định không cho bán bia, rượu.

Quán ăn, nhà hàng phục vụ ăn thì có uống, trong các loại thức uống có rượu, bia. Ăn, uống là chuyện bình thường, đã cho phép mở quán thì cho thực khách ăn uống, không có lý do gì lại cấm. Nếu cho rằng có bán rượu, bia thì thực khách sẽ giao tiếp nhiều là quá máy móc, đặt giả thiết như có người mang mầm bệnh trong nhóm người ngồi chung, thì một cuộc giao tiếp có uống rượu bia, uống cà phê hay nước ngọt cũng có nguy cơ lây nhiễm như nhau.

Dĩ nhiên, cấm quán bar là đúng vì không gian chật hẹp, phòng lạnh, đông người, giao tiếp lắm. Nhưng trong quán ăn bình thường có uống rượu bia cũng cần suy xét xem có nên cấm không?

Tạo điều kiện cho dân buôn bán làm ăn thì không nên đưa ra những quy định làm khó dân, thiếu thuyết phục nếu nhìn từ cơ sở khoa học như đã phân tích trên.

Chỉ cần bắt buộc người mở hàng quán và nhân viên phải tiêm đầy đủ hai mũi vaccine, thực khách cũng phải "công dân vaccine" và thực hiện nghiêm quy định phòng dịch mới cho vào quán, ai vi phạm thì xử phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn