MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Virus SARS-CoV-2 và bài học bảo vệ môi trường

Lê Thanh Phong LDO | 11/04/2020 07:19
Cho đến nay, các giả thiết về nguồn gốc bùng phát dịch COVOID-19 chưa được kết luận, nhưng dịch bệnh có nguyên nhân từ tàn phá môi trường, giết hại động vật hoang dã là điều đã từng xảy ra. Con người cư xử với thiên nhiên quá tàn bạo, cho nên không thể không trả giá.

Khi con virus SARS-CoV-2 đẩy một nửa dân số thế giới vào ở yên trong nhà, thì bầu trời trong xanh hơn. Ô nhiễm không khí sụt giảm ở các thành phố lớn ở Châu Âu. Theo Guardian, ảnh chụp vệ tinh của Nasa cho thấy lượng khí thải NO2 tại Trung Quốc đã giảm đáng kể, các nhà khoa học của Nasa cho hay mức độ giảm lớn nhất được ghi nhận tại Vũ Hán. Sông Venice của Ý trước ô nhiễm, nay dòng nước trong veo có thể nhìn tận đáy với những đàn cá bơi lội.

Và thật xúc động, cựu vận động viên cricket Ấn Độ Harbhajan Singh, đăng trên mạng xã hội Twitter rằng: “Không bao giờ có thể hình dung ra điều này là có thể. Chỉ báo rõ ràng cho thấy tác động của ô nhiễm mà chúng ta đã gây ra với Mẹ Trái đất”. Lần đầu tiên trong 30 năm, nhiều khu vực ở Ấn Độ có thể quan sát được dãy Himalaya, bởi vì bầu trời giảm ô nhiễm do phong tỏa ngăn ngừa COVID-19.

Còn ở Việt Nam thì sao? Rất vui khi bầu trời ở Hà Nội, TPHCM trong xanh hơn, không còn ở mức báo động như trước khi bùng phát dịch - hiện tượng chưa từng có nhiều năm nay. Tại khu vực Khu Bảo tồn biển Hòn Cau, huyện Tuy Phong - Bình Thuận, cũng xuất hiện đàn cá heo làm bất ngờ dân địa phương.

Sự náo loạn của con người đã làm cho vạn vật sợ hãi, nay con người “yên lặng” thì thiên nhiên lên tiếng. Những âm thanh của tàu thuyền, những núi rác thải nhựa tuôn xuống biển đã làm cho cá heo bỏ đi, nay quay trở lại. Còn nhiều tổn thương khác của biển, chưa thể phục hồi trong ngắn hạn, nhưng ít nhất đàn cá heo cũng đã gửi đến cho chúng ta thông điệp khẩn thiết về bảo vệ môi trường.

Rồi dịch sẽ qua và con người phải trở lại với đời sống, nhưng chúng ta phải lựa chọn cách thức ứng xử với thiên nhiên hoàn toàn mới. Khoan hãy nói đến việc của các nước khác, Việt Nam phải có những hành động để băng bó những vết thương của thiên nhiên.

Đừng săn bắn giết hại động vật hoang dã, đừng tàn phá rừng nữa. Để cho tình trạng này tiếp tục xảy ra thì trách nhiệm thuộc về chính quyền.

Các nhà máy đừng xả các loại chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Nếu các cơ quan quản lý làm việc liêm chính, sẽ không có doanh nghiệp nào dám làm bậy.

Mỗi người dân đừng xả rác, chính là cứu mạng của mình.

Tàn phá môi trường thì không SARS-Cov-2, cũng sẽ có con virus khác xuất hiện. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn