MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãi suất huy động thấp đến rẻ khiến tiền gửi của dân giảm gần 2.500 tỉ đồng sau 2 thán, trong khi đó, các mã cổ phiếu ngân hàng vẫn là "vua" trên thị trường chứng khoán. Ảnh Hải Nguyễn

VN Index phá mốc 1.500 điểm: Rồi điều gì sẽ xảy ra?

Anh Đào LDO | 27/11/2021 12:12

Dòng tiền ầm ầm đổ vào chứng khoán. VN Index phá mốc 1.500 điểm. Nhưng “tiền đống, tiền tấn, tiền núi” này ở đâu ra? Sẽ đi đâu? “Sinh đẻ” thế nào? Hay chỉ là chuyện bỏ túi nọ sang túi kia?

Bất chấp ngưỡng cản tâm lý, bất chấp áp lực chốt lời ở ngưỡng 1.500- một cái ngưỡng 2 thập kỷ, chưa từng có, VN index vẫn phá và giữ được mốc 1.500 một cách ngoạn mục đến cuối phiên giao dịch ngày 25.11. Và trong sự hồ hởi, tin tưởng, kỳ vọng. Và trong bối cảnh dòng tiền vẫn “cuồn cuộn” đổ vào chứng khoán.

Chúng ta có những dữ liệu đáng kinh ngạc xung quanh mốc 1.500.

Theo thống kê, chỉ trong 10 tháng của năm 2021, tổng số tài khoản mở mới tại thị trường chứng khoán Việt Nam lên tới con số gần 1,1 triệu. Tức là gấp đến 3 lần so với năm 2020. Riêng tháng 10, có tới 130.000 tài khoản mới. Một tốc độ mang lại cảm giác “người người chứng khoán, nhà nhà chứng khoán” sắp trở lại.

Khi bất động sản trầm lắng, chứng khoán nghiễm nhiên trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất khi “đặc thù” của nó là không cần vốn quá lớn (như với bất động sản), trong khi ưu thế tính thanh khoản thì vượt trội.

Những thông tin về các gói kích thích kinh tế sau đại dịch, tốc độ đầu tư công được đẩy mạnh với những thông tin sốt dẻo về hàng trăm ngàn tỉ dự án cao tốc, hàng trăm ngàn tỉ dự án đường sắt, hàng trăm ngàn tỉ gói kích thích... đã tạo ra niềm tin vào sự phục hồi tất yếu của nền kinh tế.

Và nguyên do quan trọng nhất không thể không nhắc tới: Lãi suất tiết kiệm và chỉ số giá tiêu dùng.

Việc giá cả tăng phi mã, từ nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất đến hàng hoá tiêu dùng, thậm chí lương thực thực phẩm, trong khi lãi suất gửi tiết kiệm quá rẻ khiến không ít nhà đầu tư rút tiền tiết kiệm để đầu tư vào chứng khoán.

Rút tiết kiệm từ nhà băng để đầu tư chứng khoán. Ấy thế mà trong phiên thị trường lập kỷ lục 1.500 điểm, các mã tăng tốt nhất VCB, VPB đều là các mã thuộc nhóm... ngân hàng. VCB thậm chí đã đóng góp tới 2,3 điểm vào đà tăng của VN-Index.

Chứng khoán, một hàn thử biểu của nền kinh tế, nó vừa phản ánh “sức khoẻ” nền kinh tế, vừa phản ánh niềm tin vào những “kỳ vọng”. Và cả trình độ “lái” của những nhà đầu tư cá mập.

Khi lên đến “đỉnh”, khi “gối đã mỏi” thì “gió bão” cũng lại rất nhiều. Thị trường sẽ điều chỉnh, sẽ rung lắc, sẽ gặp những “ngưỡng tâm lý”, không ngoại trừ cả tình trạng tiền trong túi người này sẽ sang túi người khác!

Lúc đó, sức khoẻ nền kinh tế, khả năng phục hồi của những ngành đang làm “vua” như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, thủy sản… mới có thể đo lường chính xác được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn