MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liệu gói 800.000 tỉ sẽ "đẩy" VN-Index lên 2.500 điểm? Ảnh minh hoạ: Thế Lâm

Vn-Index sẽ lên 2.500 điểm: Rừng mơ và bánh vẽ

Anh Đào LDO | 01/12/2021 15:19

Sau cú phá mốc 1.500 điểm, Quỹ ngoại Pyn Elite vừa nâng mục tiêu Vn-Index lên 2.500 điểm thay vì 1.800 điểm như dự báo trước đó. Và một trong những nguyên nhân là “gói đầu tư khổng lồ”.

Nhận định VnIndex đạt 2.500 điểm vào năm 2024 được ông Petri Deryng, người quản lý danh mục của Pyn Elite Fund đưa ra trên Thời báo Kinh tế Việt Nam (VNEC).

Gói “khổng lồ” mà Pyn Elite đề cập chính là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch bệnh COVID-19 mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ với quy mô khoảng 800.000 tỉ đồng (gần 35 tỉ USD), gấp 3,5 lần gói hỗ trợ của Chính phủ năm 2021. Đây là chương trình phục hồi kinh tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, bao gồm Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển với kinh phí phần này khoảng 220.000 tỉ đồng. 

VNEC dẫn Pyn Elite cho biết: Nếu được thực hiện, gói này dự kiến ​​sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 20 điểm phần trăm mỗi năm từ năm 2021 đến năm 2025.

Những nhìn nhận đánh giá rất lạc quan. Phải mở ngoặc nói thêm Pyn Elite là một trong những quỹ ngoại có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đúng là nền kinh tế sẽ được kích thích đáng kể với gói hỗ trợ 800.000 tỉ sắp tới.

Nhưng làm thế nào để “thuốc dẫn” trở thành nguồn lực thì còn nhiều điều phải làm.

Chẳng hạn, trước gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỉ đồng cho 2 năm 2022, 2023 mà Bộ Tài chính đang đề xuất, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh (Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách) đặt vấn đề về một rủi ro: Giả sử mức hỗ trợ là 2% thì 20.000 tỉ sẽ tương đương với 1 triệu tỉ tín dụng giá rẻ mỗi năm được bơm vào nền kinh tế. Nhưng “Rủi ro là các ngân hàng sẽ lựa chọn doanh nghiệp khỏe hoặc có tài sản thế chấp tốt để cho vay”.

Nếu thực tế như vậy (và hoàn toàn có thể như thế), các doanh nghiệp yếu, đang cần “trợ thở” nhất sẽ nằm ngoài độ phủ sóng chính sách.

Và vấn đề cũng ở chỗ: Cơ quan quản lý thì không kiểm soát được việc doanh nghiệp sau khi vay vốn giá rẻ thì sẽ ném vào đâu.

Không chừng là bất động sản, một kênh đầu tư hơn là đưa tiền vào sản xuất. Thậm chí dùng vốn giá rẻ đó để đảo nợ.

Đến nay, tổng cộng tất cả gói hỗ trợ mới vào khoảng 58 ngàn tỉ, tương đương chưa tới 1% GDP.

“Quá ít ỏi so với thực tế cấp bách”- theo TS Lê Xuân Nghĩa.

Sự cần thiết của gói hỗ trợ, kích thích vì thế, không cần phải bàn cãi.

Nhưng vấn đề không chỉ là nhiều, ít mà phải là trúng và đúng.

Bởi chỉ có thế, gói kích thích mới không phải là “rừng mơ” và triển vọng Vn-Index 1.800 hay 2.500 điểm mới không phải là “cái bánh vẽ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn