MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phạm Bích Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Quốc tế (bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”) trong vụ "chuyến bay giải cứu" Ảnh: Quang Việt

Vụ "chuyến bay giải cứu": Biết từ chối lòng tham sẽ từ chối đòi hỏi đưa hối lộ của kẻ khác

Lê Thanh Phong LDO | 26/12/2023 10:20

Các doanh nhân là bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu, xét cho cùng, tuy phạm tội đưa hối lộ, nhưng họ rơi vào tình thế không đưa cũng không xong.

Tại phiên tòa phúc thẩm vụ "chuyến bay giải cứu" diễn ra ngày 25.12, các doanh nhân đều thừa nhận việc nhiều lần đưa hối lộ hàng chục tỷ đồng để được cấp phép chuyến bay.

Tất cả các bị cáo trong nhóm đưa hối lộ nhận tội thành khẩn, khai báo rõ ràng, có người chủ động tố cáo các sai phạm, có người tự thú giúp cơ quan mở rộng vụ án.

Mỗi người đưa hối lộ số tiền khác nhau, nhưng tất cả vì mục đích để được cấp phép tổ chức chuyến bay giải cứu. Bị cáo Võ Thị Hồng (giám đốc Công ty Minh Ngọc) đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng, bị cáo Lê Văn Nghĩa (giám đốc Công ty Nhật Minh) đưa hối lộ hơn 9 tỷ đồng để tổ chức 18 chuyến bay, bị cáo Hoàng Diệu Mơ (tổng giám đốc Công ty An Bình) đưa hối lộ hơn 34 tỷ đồng...

Các bị cáo có lời khai tương tự, đó là buộc phải chi tiền do bị gây khó khăn, ngâm hồ sơ, bị dọa hủy chuyến, bị xếp lịch bay sát ngày; hoặc bị yêu cầu đến "nói chuyện" với cán bộ.

Tất nhiên, các bị cáo không thể lấy các lý do nêu trên để biện minh cho hành vi đưa hối lộ. Các doanh nghiệp lúc đó có quyền từ chối yêu cầu đưa tiền cho dù cán bộ gợi ý, nhưng họ vẫn cứ đưa.

Bởi vì, khai thác kinh doanh chuyến bay giải cứu là có lợi nhuận. Họ tính toán rằng, nếu đưa hối lộ thì tăng thêm tiền trong mỗi suất bay, đâu lại vào đó; chỉ người có nhu cầu "giải cứu" phải gánh chịu phí nặng hơn.

Không kìm chế được lòng tham, biết đưa hối lộ là vi phạm pháp luật nhưng vẫn làm, hậu quả là trở thành tội phạm.

Nhưng cũng có những trường hợp "tiến thoái lưỡng nan". Đó là doanh nghiệp đã bỏ chi phí khi thực hiện các chuyến bay như thế chấp trước 30% tiền thuê tàu bay, mỗi lần thuê máy bay từ 6 - 9 tỉ đồng. Nếu không được cấp phép thì sẽ mất tiền.

Trước tòa, các bị cáo đều nhận thức hành vi phạm tội, xin giảm nhẹ hình phạt. Tùy theo từng trường hợp, hoàn cảnh cá nhân, có người bị bệnh nặng, hội đồng xét xử cần xem xét để miễn giảm, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

Cũng từ các bị cáo trong nhóm đưa hối lộ trong vụ án chuyến bay giải cứu, là bài học chung cho doanh nhân. Biết từ chối lòng tham của chính mình thì sẽ từ chối đòi hỏi đưa hối lộ của người khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn