MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vụ lùm xùm 8B Lê Trực và cách quản lý theo kiểu “chợt nhớ“

LÂM THỊ THỦY LDO | 02/10/2015 19:32
Câu chuyện về tòa nhà 8B Lê Trực khiến chúng ta nghĩ đến một cách quản lý vốn đã tồn tại lâu nay trong nhiều lĩnh vực của xã hội - cách quản lý theo kiểu “chợt nhớ”.

Vấn đề khiến dư luận đang đặc biệt quan tâm là chuyện về tòa nhà 8B Lê Trực, phường Điện Biên (Quận Ba Đình, Hà Nội) của Công ty cổ phần may Lê Trực. Công trình này đã sai phạm về chiều cao công trình, khoảng lùi, khoảng giật và hình thái không gian kiến trúc công trình, theo đúng thiết kế và giấy phép xây dựng đã được cấp. Vụ việc đang được điều tra làm rõ.

Cứ cho là vụ việc sẽ được xử lý nghiêm minh. Sẽ xử lý thế nào với những sai phạm này? Cán bộ làm sai sẽ bị xử lý. Nhưng còn tòa cao ốc thì sẽ xử thế nào?

Tại sao một tòa cao ốc sừng sững chọc trời giữa trung tâm của thủ đô lại không có ai nhìn thấy, không ai biết đến. Để đến khi, nhà chức trách mới “chợt thấy” những sai phạm của công trình này khi tòa nhà đã sắp hoàn thành.

Câu chuyện về tòa nhà 8B Lê Trực khiến chúng ta nghĩ đến một cách quản lý vốn đã tồn tại lâu nay trong nhiều lĩnh vực của xã hội - cách quản lý theo kiểu “chợt nhớ”.

Nhớ lại mấy năm trước, khi truyền thông đưa tin nóng về bạo hành trẻ ở các cơ sở giữ trẻ tư nhân. Sau đó những người làm công tác quản lý giáo dục mới bắt đầu vào cuộc. Kết quả là các cuộc thanh tra, kiểm tra đã tìm ra biết bao nhiêu sai phạm trong lĩnh vực này.

Hay sau vụ tiêm vacxin khiến 3 trẻ bị tử vong, nhiểu cơ sở y tế mới “chợt nhớ” là cần phải xem lại quy trình tiêm chủng và bắt đầu thực hiện nghiêm túc theo quy trình.

Và gần đây nhất là kỳ thi THPT quốc gia, phải đến khi thí sinh nộp và rút hồ sơ tuyển sinh vào các trưởng đại học, Bộ Giáo dục mới nhận ra những bất cập quá lớn về những quy định trong kỳ thi này...

Với những chương trình, chủ trương lớn của nhà nước mà được điều hành theo phong cách “chợt nhớ” như vậy, thì những hiện tượng làm xôn xao dư luận như vừa qua cũng là vấn đề dễ hiểu.

Ngay một cơ quan, đơn vị, vẫn thường xảy ra chuyện một nhân viên bỗng dưng phải thay đổi, xáo trộn kế hoạch cá nhân của mình vì một cuộc điện thoại đột xuất từ người quản lý.

Hoặc nhận lệnh điều động khẩn cấp của cấp trên (mà thực ra công việc đó không đột xuất) đến mức không kịp trở tay. Đây chính là hiện tượng quản lý theo phong cách “chợt nhớ” đã và đang tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị hiện nay.

Nhà quản lý cần có cái nhìn chiến lược lâu dài, phải gần gũi với thực tế, phải có kế hoạch làm việc và sắp xếp khoa học, hợp lý chứ không thể làm việc theo kiểu “chợt nhớ" được.

Thử hình dung, nếu không phải quản lý kiểu “chợt nhớ” thì sẽ không xảy ra nhiều vụ việc gây tổn thất nghiêm trọng như thời gian vừa qua. Nếu nhà quản lý thực hiện đúng việc thanh tra, kiểm tra các cơ sở giữ trẻ tư nhân nghiêm túc thì sẽ không xảy ra nhiều hiện tượng trẻ bị bạo hành nghiêm trọng ở các cơ sở này.

Nếu nhà quản lý chặt chẽ nghiêm túc trong việc tiêm vacxin cho trẻ sơ sinh về quản lý, bảo quản thuốc, về phòng tiêm... thì biết đâu sẽ không xảy ra sự việc đáng tiếc đau lòng.

Nếu nhà quản lý giáo dục lường trước được bất cập của cách nộp hồ sơ tuyển sinh năm học vừa rồi thì đã có thể mang lại lòng tin trọn vẹn cho người dân về cách đổi mới tuyển sinh.

Và, nếu những nhà chức trách làm đúng chức trách của mình thì tòa cao ốc 8B Lê Trực đã không trở thành “sự đã rồi”...

Thiết nghĩ, để xã hội phát triển, một trong những điều đầu tiên cần đấu tranh xóa bỏ là cách làm việc và cách quản lý kiểu “chợt nhớ” này.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn