MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dây chuyền sản xuất gạch của Công ty Thanh Hà vẫn dùng dầu để đốt

Vụ nước sạch nhiễm dầu thải: Không để sót người, lọt tội

Hoàng Lâm LDO | 24/10/2019 12:28

Vụ nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn gây xáo trộn và ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn hộ dân ở Hà Nội vẫn còn để lại những mối lo khi trách nhiệm của chủ nguồn chất thải nguy hại vẫn chưa được làm rõ.

Vụ nước sạch ở Hà Nội bị nhiễm bẩn, kể từ khi người dân phát hiện mùi hôi trong nước sinh hoạt, tính đến nay đã nửa tháng. Cơ quan công an cũng đã khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng nghi là đổ trộm dầu thải vào nguồn cấp nước của Công ty nước sạch Sông Đà.

Nhưng mọi chuyện chưa thể dừng lại, bởi lẽ việc phát hiện và bắt giữ những kẻ đổ trộm dầu mới chỉ là phần ngọn. Còn phần gốc là trách nhiệm của công ty cấp nước, của đơn vị có nguồn chất thải độc hại vẫn chưa được làm rõ. Người dân vẫn chưa thể an tâm, cho dù, các thông số kiểm tra mới nhất cho thấy, nước đã sạch.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các đơn vị có nguồn chất thải độc hại tiếp tục vô trách nhiệm, thậm chí coi thường pháp luật khi buông lỏng quản lý, vì lợi nhuận mà tuồn chất thải độc hại cho những đơn vị không có giấy phép, không đủ khả năng xử lý?

Không làm rõ trách nhiệm của các cơ sở này thì hiểm họa về một cuộc khủng hoảng nước sạch trong tương lai vẫn treo lơ lửng trên đầu dân. Hôm nay là sông Đà, biết đâu ngày mai là sông Đuống hay sông Sài Gòn?

Công ty gốm Thanh Hà ở Phú Thọ đã gian dối khi nói rằng họ có hợp đồng xử lý chất thải với Công ty Môi trường xanh Minh Phúc trong khi hợp đồng này hết hạn từ năm 2017. Công ty này cũng che giấu việc họ vẫn và đang tiếp tục dùng công nghệ lạc hậu là sử dụng lò nung sử dụng dầu diezel vốn sinh ra rất nhiều chất độc hại mà nước ngoài đã hạn chế hoặc từ bỏ vì gây hại cho môi trường.

Từ năm 2017 tới nay, hàng ngàn tấn dầu thải độc hại từ công nghệ này đã đi đâu?

Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ thế nào khi không kiểm tra thường xuyên một công ty có nguy cơ xả thải lớn như vậy?

Còn bao nhiêu công ty như Thanh Hà đã và đang lén lút tuồn chất thải ra môi trường thông qua những đơn vị tư nhân nhằm tiết kiệm chi phí xử lý?

Đó là những câu hỏi phải giải đáp lúc này.

Hành động của công ty Thanh Hà đã vi phạm điều 7 "Trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải nguy hại" quy định tại Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu.

Phải thanh tra toàn bộ hoạt động xả thải của công ty này, xử lý nghiêm theo pháp luật, thậm chí phải khởi tố nếu thấy cần thiết. Bởi lẽ, nếu để “sót người, lọt tội” cũng là vô cảm, coi thường sức khỏe và tính mạng người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn