MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vùng cấm, vùng mờ ám, vùng rụt rè

anh đào LDO | 12/12/2019 07:52

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nói đập cả tòa 8B Lê Trực cũng phải làm. Nhưng rồi cái “lô cốt sai phạm” vẫn ở đó, 3 tháng sau phát ngôn đầy quyết liệt của Chủ tịch thành phố, và 4 năm sau khi Thủ tướng có chỉ đạo lần đầu tháng 11.2015.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND TP.Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại Dự án số 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội). Có lẽ, phải nhấn mạnh chi tiết, đây đã là lần thứ 6 Thủ tướng có ý kiến về sai phạm ở công trình này.

6 lần Thủ tướng có ý kiến về một sai phạm. Bên cạnh mặt tích cực là quan điểm, thái độ và sự quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ trước những sai phạm trật tự quản lý xây dựng thì đó cũng là một kỷ lục trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương về sự bê bết, rất chậm trễ xử lý.

Lưu ý rằng “rất chậm” là nhận định trong văn bản chỉ đạo lần này của Thủ tướng.

Hồi tháng 6.2019, Chủ tịch TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng từng khẳng định: “Tòa nhà 8B Lê Trực không chỉ vi phạm phía trên mà vi phạm ngay từ móng, vi phạm từ tầng hầm lấn ra cả vỉa hè”.

Ông cũng nói thành phố đã quyết định chuyển hồ sơ 3 dự án: 302 Cầu Giấy, 102 Trường Chinh và 8B Lê Trực của cùng một chủ đầu tư này sang Công an để điều tra xử lý theo pháp luật hình sự.

Và dù chủ đầu tư này “rất cùn”, Chủ tịch Chung cam kết trước cử tri, nhân dân là sẽ “cương quyết cưỡng chế, thực hiện nghiêm theo kỷ cương”, rằng: “Thực ra để đảm bảo kỷ cương phép nước thì đập cả tòa nhà này cũng phải đập, vì sai từ móng”.

Sai phạm tại Dự án số 8B Lê Trực không có gì phải bàn cãi khi nó được xác định từ cả chính quyền địa phương, từ cả cơ quan chuyên môn ngành dọc là Bộ Xây dựng.

Sai phạm ở 8B Lê Trực cũng đã được đặt lên bàn nghị sự Quốc hội. Được chất vấn thẳng căng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Quyết tâm, quyết đoán, quyết liệt trong việc xử lý thì thừa nhiều rồi. Nhưng rút cục, rồi cái sai vẫn ở đó, như một cái gai, như một thứ lô cốt, như một sự thách thức hiệu quả quản lý nhà nước.

Trả lời báo Thanh Niên, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng nói: Cử tri rất gay gắt về vụ việc, cử tri cho rằng có chuyện mờ ám. Người ta luôn nói không có vùng cấm, nhưng hình như có “vùng rụt rè”...

Có lẽ, nếu sau lần thứ 6 Thủ tướng yêu cầu xử lý sai phạm mà cái sai vẫn còn, vẫn không xử lý được thì cần có thêm một lần nữa, để xử lý người chịu trách nhiệm về việc xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn