MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sản xuất kinh tế vượt qua đại dịch COVID-19. Ảnh: Ngọc Hân

Vượt lên sợ hãi

Uông Ngọc Dậu LDO | 12/10/2021 09:21

Sau nhiều tháng ngày trong trạng thái ngồi nhà chống dịch, “ai ở đâu yên đó”, những ngày đầu tháng 10 này, từ diễn biến chống dịch rất khả quan, chúng ta đã có một nhận thức mới, đất nước khởi động cho một trạng thái mới: Vừa chống dịch, vừa ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ lưu ý, chuyển trạng thái nhưng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, mất bình tĩnh. Phải tỉnh táo, sáng suốt trước dịch bệnh.

Nhìn lại, trong suốt giai đoạn chống dịch, có những thời điểm, có những địa phương đã từng mất bình tĩnh.

Chống dịch mà mất bình tĩnh tất sẽ thiếu căn cơ, xa rời trọng tâm trọng điểm, dễ mắc sai lầm, khuyết điểm.

Mất bình tĩnh sẽ dẫn đến sợ hãi, sợ trách nhiệm, mất kiểm soát và hoảng loạn, ra những quyết định kiểu “sáng đúng, chiều sai, sáng mai lại đúng”.

Chống dịch hay ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay, như Thủ tướng Chính phủ từng lưu ý, phải tỉnh táo, sáng suốt.

Tỉnh táo, sáng suốt để vượt lên sợ hãi.

Một khi mang nặng tâm lý sợ hãi, ngăn dịch sẽ khó thành công, mà phát triển kinh tế cũng không thể hiệu quả.

Tâm lý sợ hãi từng choán ngự thế giới, khi gần 2 năm qua đại dịch COVID-19 đã khiến hơn 240 triệu người nhiễm bệnh, gần 5 triệu người chết. 

Một thông tin từ Bộ Y tế mới đây cho hay, các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19 gia tăng đáng kể, như tỉ lệ mắc rối loạn trầm cảm (31,4%), rối loạn lo âu (31,9%), và rối loạn giấc ngủ (41,1%).

Cứ 4 người, có 1 người có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Sợ hãi thành hội chứng, đâu chỉ thấy ở một cá nhân hay một quốc gia nào. Ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singapore vừa kêu gọi người dân nước này cảnh giác với mối đe dọa từ dịch bệnh nhưng không sợ hãi đến mức tê liệt mọi hoạt động. Ông nói: “Đừng để nỗi sợ hãi COVID-19 khiến chúng ta tê liệt”.

Không thể quay lưng, giờ là lúc tự tin đối diện với thực tại, lựa chọn cách thức khôn ngoan nhất để thoát khỏi tâm thế thụ động, sợ hãi, để tồn tại một cách tích cực.

Vượt lên sợ hãi để khơi thông dòng chảy dịch vụ, phục hồi, phát triển sản xuất.

Vượt lên sợ hãi để làm nóng trở lại huyết mạch giao thông vốn ứ bế, khởi động mọi loại hình vận tải, đường bộ, đường không, đường sắt, đường thủy, nội địa và quốc tế.

Vượt lên sợ hãi để cởi bỏ căn bệnh thành tích, tháo bỏ những rào chắn với những “lô cốt” biểu hiện của co cụm,  chia cắt, cát cứ.

Và hơn hết, để ứng phó với đại dịch COVID-19 một cách tỉnh táo, sáng suốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn