MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vượt qua thử thách lớn để đạt thành tựu mới

Lê Thanh Phong LDO | 16/08/2020 06:30
Theo bà Stefanie Stallmeister - Quyền Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam sẽ là quốc gia có tăng trưởng đứng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

Tuyên bố này dựa trên dự báo trong trường hợp tình hình thế giới được từng bước cải thiện, các hoạt động kinh tế sẽ phục hồi vào nửa cuối của năm 2020 khiến cho nền kinh tế sẽ đạt tăng trưởng khoảng 2,8% cho cả năm nay và 6,8% trong năm 2021.

Tuy nhiên, những dự báo trên còn chịu nhiều bất định và rất có khả năng đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tài khóa để hỗ trợ hiệu quả cho quá trình khôi phục kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, Việt Nam là nước kiểm soát dịch COVID-19 rất tốt và đây chính là điều quan trọng liên quan đến phục hồi và phát triển kinh tế. Ông Jacques Morisset - chuyên gia Kinh tế trưởng của WB Việt Nam - cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu đầy u ám, Việt Nam nổi lên như là một ngoại lệ nhờ thành công lớn trong việc kiểm soát và xử lý dịch bệnh đến thời điểm này.

Những đánh giá của chuyên gia Ngân hàng Thế giới dựa trên những phân tích khoa học liên quan đến các chính sách và thực tiễn điều hành kinh tế của Chính phủ Việt Nam. Trong tình hình khó khăn hiện nay, để vượt trội lên về tăng trưởng kinh tế là một sự nỗ lực ghê gớm, hy vọng Việt Nam lọt vào TOP 5 như các chuyên gia kỳ vọng.

Để có được sự vững vàng chèo chống qua những thử thách của năm nay, là sự tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm đổi mới, là sự dồn tụ thành quả kinh tế qua quá trình hội nhập với các nền kinh tế thế giới. Nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam, sẽ thấy rõ thành tựu của từng giai đoạn rất rõ ràng, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, ổn định và vững vàng sau mỗi cuộc cải cách, sau mỗi tiến trình đổi mới.

Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, ban đầu là lợi thế lao động giá rẻ, nhưng đến nay là giá hợp lý. Môi trường đầu tư ngày càng minh bạch, các chính sách đầu tư kinh doanh ngày càng tiếp cận với các giá trị văn minh của pháp luật cũng như thông lệ quốc tế. Chính vì vậy, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đến Việt Nam, đầu tư các dự án có giá trị lớn, mang tính ổn định, lâu dài như Samsung, Intel.

Và để có được sự tin cậy của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, nền kinh tế của các quốc gia, thì không phải ngày một ngày hai, mà là một tiến trình hội nhập đầy thiện chí và kiên nhẫn. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 hiệp định thương mại song phương. Việt Nam là thành viên của các tổ chức kinh tế quốc tế: WTO, ASEAN, APEC.

Ngày 1.8.2020, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Đây là một dấu mốc thành công lớn trong tiến trình hội nhập của Việt Nam, bởi vì với thị trường EU, Việt Nam sẽ mở rộng quan hệ hợp tác với cùng lúc 27 quốc gia thành viên, đa dạng hóa thị trường, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Quá trình hợp tác này cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp trong nước trưởng thành, tiếp thu công nghệ mới, những chuẩn mực quốc tế trong quản trị, sản xuất, hàng hóa sản phẩm đạt chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Đại dịch COVID-19 còn hoành hành và chưa thể đoán định được những nguy cơ tiềm ẩn. Riêng Việt Nam, không phải "duy ý chí", mà Chính phủ quyết tâm đạt "thắng lợi kép", có nghĩa là vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế. Đây là một thử thách lớn.

Những đánh giá khách quan của chuyên gia kinh tế về triển vọng của Việt Nam thực sự là một niềm khích lệ, Việt Nam quyết tâm giành được những thành tựu mới, chất lượng cao hơn, ổn định và bền vững hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn