MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lô Vaccine COVID-19 đầu tiên về Việt Nam. Ảnh Bộ Y tế cung cấp

Xã hội hoá vaccine COVID-19 để phủ nhanh và giảm gánh nặng ngân sách

Lê Thanh Phong LDO | 25/02/2021 14:37

Đừng chỉ trông chờ vào nhà nước, cả xã hội cùng chung tay thì mới tiêm vaccine COVID-19 nhanh, đất nước đi vào ổn định sớm ngày nào hay ngày đó.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ngày 24.2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Chúng ta huy động tất cả nguồn lực trong xã hội và đẩy nhanh tiến độ cung ứng vaccine để có thể có khoảng 90 triệu liều. Điều này giúp bảo đảm ngân sách nhà nước, tăng độ bao phủ tiêm vaccine theo hình thức xã hội hóa. Nếu tính theo lộ trình như vậy thì năm 2021 chúng tôi xin đảm bảo không thiếu vaccine".

Ai cũng biết, nếu như có được 90 triệu liều vaccine COVID-19 và nhanh chóng triển khai tiêm cho người dân, thì Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia ổn định sớm nhất việc kiểm soát dịch. Và ai cũng biết, kinh tế đất nước sẽ khởi sắc khi kiểm soát được dịch. Kinh tế khởi sắc thì doanh nghiệp có lợi, người dân hưởng lợi, cho nên việc xã hội hóa tiêm vaccine là điều cần làm, làm ngay và làm nhanh.

Điểm lại vài thông tin sẽ thấy có đủ cơ sở để xã hội hóa tiêm vaccine COVID-19.

Sở y tế tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản đề xuất UBND tỉnh mua 6,2 triệu liều vaccine COVID-19 (từ nguồn kinh phí địa phương), tiêm miễn phí cho toàn bộ 3,1 triệu người dân trên địa bàn tỉnh.

Trước đó là Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, đều có đề xuất mua và tiêm vaccine cho người dân địa phương.

Có thể chính quyền chủ động liên hệ mua vaccine, sử dụng ngân sách địa phương để chi trả. Nhưng khi có sản phẩm, vẫn triển khai tiêm vaccine theo hình thức xã hội hóa.

Các doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký tiêm vaccine cho cán bộ, nhân viên, người lao động có trả phí, đó chính là xã hội hóa. Người dân đi tiêm vaccine trả tiền là xã hội hóa, trừ người nhóm đối tượng ưu tiên theo chính sách, người nghèo.

Như vậy, trong tổng số tiền mà chính quyền các địa phương chi ra để mua vaccine, sẽ được thu lại một phần, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách.

Ngoài ra, vận động các nhà tài trợ để hỗ trợ chính quyền mua vaccine tiêm cho người dân. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có truyền thống giúp đỡ cho bà con nghèo, cứu trợ người dân vùng bị thiên tai, thì đây cũng là một loại "thiên tai' mà người nghèo cần được hỗ trợ. Tài trợ mua vaccine là xã hội hóa tiêm vaccine.

Còn một hình thức xã hội hóa khác là các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam chủ động liên hệ với các nhà cung cấp để mua vaccine (theo chỉ dẫn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo), tiêm cho cán bộ, kỹ sư, công nhân của doanh nghiệp. Đây là cách để bảo vệ sức khỏe cho người lao động và giữ vững sản xuất.

Với truyền thống đoàn kết, đùm bọc, chia sẻ của người Việt, trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, chắc chắn sẽ triển khai tiêm vaccine COVID-19 theo hình thức xã hội hóa thành công.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn