MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xa rồi thời chờ doanh nghiệp đến xin - cho

LÊ THANH PHONG LDO | 30/03/2019 06:33
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), hơn 58,2% doanh nghiệp cho biết, còn hiện tượng nhũng nhiễu từ cán bộ cơ quan nhà nước, địa phương khi giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp. Mặc dù giảm so với mức cao nhất là 65,6% ghi nhận trong năm 2014, tuy nhiên đây vẫn là mức cao.

Giảm là tốt, nhưng tỉ lệ còn cao, chưa tương xứng với những nỗ lực cải cách của Chính phủ về chống tham nhũng và cắt giảm các loại chi phí phi chính thức.

Bên cạnh sự kêu gọi thay đổi nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, Chính phủ còn thực hiện các giải pháp cụ thể khác như cắt giảm điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Tuy nhiên, còn một số bộ, ngành chưa thực sự vào cuộc, cho nên hiệu quả không cao.

Còn có hiện tượng nhũng nhiễu từ cán bộ cơ quan nhà nước, địa phương là vì còn nhiều quyền lực được trao cho họ qua những quy định bất hợp lý. Một khi còn những giấy phép mẹ, giấy phép con, là còn môi trường béo bở cho tham nhũng to, tham nhũng vặt.

Nhưng cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin vào sự thay đổi, nhiều địa phương có chuyển biến tích cực, đặc biệt là cách nhìn nhận vai trò của doanh nghiệp. Cạnh tranh giữa các địa phương bắt buộc lãnh đạo tỉnh, thành chủ động mời gọi đầu tư, phải tìm đến doanh nghiệp để trình bày các lợi thế, các dự án, không phải ngồi rung đùi chờ doanh nghiệp đến xin xỏ. Đã quá xa rồi cái thời lãnh đạo ngồi ban phát cho doanh nghiệp như ban ơn. Nếu như cư xử không tốt, không có các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn của địa phương, thì doanh nghiệp quay lưng ngay lập tức.

Có nhiều doanh nghiệp ra nước ngoài đầu tư, khởi nghiệp, họ không thiếu nơi để làm giàu. Thế giới ngày càng phẳng, càng văn minh, càng minh bạch, những người làm ăn chân chính sẽ tìm đến nơi minh bạch để làm ăn cho lành.

Các nước cũng vậy, họ đưa ra các chính sách khôn ngoan, thông minh để kéo doanh nghiệp từ các quốc gia khác đến đầu tư vào nước họ, gần chúng ta nhất là Singapore, Myanmar, và doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đủ sức để đem chuông đi đánh xứ người.

Vậy các địa phương nhũng nhiều, làm khó doanh nghiệp chỉ có nghèo, có thể ai đó kiếm chác cho riêng mình, nhưng cái mà họ để lại cho địa phương là sự nghèo nàn, lạc hậu.

Những đánh giá chỉ số cạnh tranh là thước đo chất lượng quản lý điều hành của các địa phương hằng năm, đó cũng là sự phản ánh năng lực của lãnh đạo. Nếu tiếp thu một cách thiện chí để thay đổi thì sẽ tốt hơn cho chính cá nhân người lãnh đạo trước khi nói đến lợi ích của dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn