MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Tài chính từng nêu gương khi thí điểm khoán xe tới cấp thứ trưởng. Ảnh: Tiến Tuấn

Xe biển xanh: Khi chính sách kêu gọi tự nguyện

Anh Đào LDO | 16/01/2019 13:32

“Tới đây, chế độ xe công sẽ được sửa đổi theo hướng từ cấp Thứ trưởng trở xuống sẽ không có chế độ xe công riêng…” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng từng khẳng định bên hành lang Quốc hội năm 2016. Nhưng trong Nghị định mới nhất, cấp Thứ trưởng, Chủ tịch các tỉnh, Chủ tịch các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được “tự nguyện” thay vì “bắt buộc khoán xe” như dự định ban đầu.

Thời điểm Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu, Bộ Tài chính đang nêu gương dư luận khi thực hiện thí điểm khoán xe công đối với cấp Thứ trưởng trở xuống.

Từ tấm gương của Bộ Tài chính, lần lượt 19 bộ ngành địa phương thực hiện khoán xe.

Trong một báo cáo gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Chính phủ đánh giá: “Việc khoán kinh phí sử dụng ôtô công đã góp phần giảm đáng kể số lượng xe công, giảm kinh phí sử dụng, chi phí vận hành xe. Số lượng nhân viên lái xe giảm góp phần cắt giảm biên chế hành chính, tăng hiệu suất sử dụng xe công, tạo hiệu ứng tích cực từ nhân dân và truyền thông”.

Cụ thể: Khi thực hiện khoán xe thì chi phí khoán tiết kiệm hơn so với chi phí thực tế sử dụng xe cùng kỳ lên tới 1.771 triệu đồng,

Từ nhiều năm nay, xe công luôn là câu chuyện nói dài nói mãi, thậm chí vài năm nay, nó trở thành một trong những nguồn gốc gây dư luận, từ những chiếc Lexus biển xanh ở Hậu Giang, từ những chiếc 80A đi chùa, những đoàn xe công đi... đám cưới... Cho nên việc khoán xe, trong hình ảnh là những vị Thứ trưởng bước xuống từ... taxi, rất rõ ràng tạo ra những hiệu ứng tích cực, những hình ảnh đẹp, những thiện cảm không che giấu từ phía dư luận, nhân dân.

Cho nên từ việc “không có chế độ xe công riêng” đến “tự nguyện khoán xe” như Nghị định 04 không phải là một bước tiến.

Cả nước hiện có 39.425 chiếc xe công, tổng nguyên giá 25.554,2 tỉ đồng.

25.554,2 tỉ đồng, tức tương đương 2,21% tổng giá trị tài sản Nhà nước cho một thứ tiêu sản. Chưa kể với 320 triệu đồng mỗi năm, chi phí nuôi số xe công này từng được tính toán tới 13.000 tỉ đồng.

Đây đang là một sức ép lớn đối với ngân sách. Còn nhớ tại phiên họp Quốc hội chiều 22.10, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề nghị không chi ngân sách Nhà nước 2019 để mua sắm trang thiết bị đắt tiền, xe công. Đồng thời, giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội... như một cách thức tiết kiệm ngân sách.

Nhớ tại phiên họp thường kỳ đầu tiên của Chính phủ khóa mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu gương không mua ôtô mới, không nhận hoa chúc mừng.

Nhưng từ việc nêu gương của Thủ tướng, từ “tấm gương” trong việc thí điểm của Bộ Tài chính xuống đến thực tế, cần có những quy định cụ thể về việc mua sắm, về việc bắt buộc khoán xe chứ không thể trông chờ vào sự tự nguyện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn