MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà xét xử 54 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: H.Phương

Xem xét khoan hồng cho các bị cáo đưa hối lộ vụ chuyến bay giải cứu

Lê Thanh Phong LDO | 25/07/2023 07:29

Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị lại mức án cho 9 bị cáo vụ chuyến bay giải cứu, theo hướng giảm nhẹ 1 năm hoặc cho hưởng án treo.

Trong đó, có 4 bị cáo thuộc nhóm đưa hối lộ, cụ thể: Vũ Thuỳ Dương, từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 4-5 năm. Bị cáo Phạm Bá Sơn từ 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 36-40 tháng. Bị cáo Tào Đức Hiệp 18-20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36-40 tháng. Bị cáo Trần Quốc Tuấn (Công ty Vitrato) bị đề nghị từ 2-3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách từ 4-5 năm.

Pháp luật nghiêm minh nhưng cũng khoan hồng. Đối với những trường hợp có thể vận dụng giảm nhẹ hình phạt, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét. Trong vụ án này, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị lại mức án cho 9 bị cáo chính là thể hiện sự khoan hồng, nhân văn của pháp luật.

Đối với những bị cáo trong nhóm đưa hối lộ, theo lời khai công khai trước tòa, họ hoàn toàn thụ động, có những trường hợp chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Trong một doanh nghiệp, sếp phân công nhân viên đi đưa tiền cho ai đó, thì việc của cấp dưới là chấp hành. Lúc đó, không ai nhận thức được hành vi của mình là "đưa hối lộ", mà chỉ suy nghĩ đơn giản là làm việc mà mình được cấp trên giao cho.

Ngay cả những cán bộ chức vụ cao như Tô Anh Dũng - cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng của đại diện 13 doanh nghiệp để tạo điều kiện khi cấp phép chuyến bay, Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) nhận hơn 25 tỉ đồng… nhưng vẫn cho rằng, không nhận thức được cầm chừng đó tiền là nhận hối lộ, mà xem như là quà cám ơn.

Trong vụ án chuyến bay giải cứu, còn những bị cáo khác thuộc nhóm đưa hối lộ, cho dù họ có chức vụ cao trong doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chính trong việc đưa tiền cho các quan chức, nhưng họ cũng không phải hoàn toàn chủ động, mà chủ yếu bị ép buộc. Trong hoàn cảnh "nước sôi lửa bỏng", đã thuê máy bay, đã bỏ tiền ra đặt cọc, họ phải đưa tiền để được cấp phép.

Như bị cáo Trần Thị Mai Xa (Công ty Masterlife) nói: "'Bị cáo rất lo lắng. Sau chuyến bay đầu tiên không thể tổ chức và bị cáo phải bán nhà, bị cáo rất run như chim sợ cành cong vì không còn nhà để bán nữa".

Câu nói "sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả" không chỉ dành riêng cho bị cáo Trần Thị Mai Xa, mà nhiều doanh nghiệp khác. Đương nhiên, muốn sếp biết thì doanh nghiệp phải "biết điều".

Những bị cáo đưa hối lộ vì bị ép buộc, vì bị đẩy vào đường cùng, tưởng cũng nên xem xét để được hưởng sự khoan hồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn