MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

“Xin lỗi con học kém, chào bố mẹ con đi”

Lê Thanh Phong LDO | 24/04/2023 07:52
Chị Q - mẹ của em N.M.G.H. (trú tại phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng vì trái với bình thường, trời đã tối mà không thấy cậu con trai học lớp 6 về nhà. Nhưng điều khiến chị hoảng sợ, đó là nhận được dòng tin của con trai: “Con xin lỗi bố mẹ con học kém, con chào bố mẹ con đi”. Vụ việc xảy ra ngày 22.4.

Chữ “đi” ở đây đúng là quá đáng sợ, vì đã có không ít đứa trẻ, vì ám ảnh chuyện học tập, áp lực thứ hạng mà đã dại dột tìm đến những hành động tiêu cực. Câu chuyện về đứa bé nhảy lầu để lại thư tuyệt mệnh vẫn còn là nỗi đau chung của xã hội, hình như người lớn của chúng ta, ai cũng thấy mình có trách nhiệm sửa sai trong việc giáo dục con cái.

Chị Q nhớ lại, đã có trách mắng con khi cháu học sa sút - chị chia sẻ: “Vào chiều hôm qua, sau khi biết được con không đạt điểm cao, mẹ đã có trách mắng con mấy câu. Lúc ấy tôi không hề nghĩ rằng điều này lại tác động đến con nhiều như thế. Tôi cũng mới biết thêm là cháu có nhắn tin với bạn bè về áp lực tâm lí”.

Đây chính là “giọt nước tràn ly” đối với một đứa trẻ đã chịu quá nhiều áp lực trong chuyện học hành. Chắc chắn cháu bé rất buồn vì việc học hành sa sút của mình đã khiến cho mẹ không hài lòng nên đã quyết định nhắn một cái tin như vậy.

May mà gia đình đã nhờ bạn bè, công an tìm ra cháu bé, nhưng đây là bài học không chỉ cho chị Q, mà với tất cả mọi phụ huynh học sinh.

Chúng ta đã và đang đẩy con cái chúng ta vào cuộc chạy đua thành tích của nhà trường, giáo viên và “tham vọng ảo” của phụ huynh. Nhất là, có không ít phụ huynh ảo tưởng về tài năng học tập, “thiên tài” của con mình. Thúc ép con cái học thật giỏi, nhiều điểm 10, đạt thành tích trong học tập để trang điểm cho mình, để khoe khoang với thiên hạ.

Không mấy ai hiểu rằng, những điểm số cao ở các lớp học đó không phải là tất cả, không nói lên được khả năng “thiên tài” của học sinh. Đa số con người ta khả năng như nhau, người xuất chúng hiếm lắm, muôn người chỉ có một. Và những người đó khi đi học, điểm số cũng rất bình thường, có khi còn là học sinh kém.

Hãy để cho học sinh ở lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở sống đúng với lứa tuổi của mình, đó là các em “học mà chơi”, “vui để học”, không có bất kỳ áp lực tâm lý nào, không có những cuộc chạy đua thành tích, điểm số nào.

Để không còn xuất hiện những dòng tin “xin lỗi con học kém, chào bố mẹ con đi”. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn