MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Xoá bỏ những kênh “Kuman Tho” quỷ quái

Đào Tuấn LDO | 12/03/2021 07:00
Không phải chờ cơ quan quản lý có biện pháp, cộng đồng đã ngay lập tức tẩy chay YouTuber Thơ Nguyễn sau clip cho búp bê uống coca để “xin vía” học giỏi.

Nếu con cháu chúng ta xem những clip “Kuman Tho” như thế này và bắt chước làm theo thì hậu quả sẽ như thế nào?

Kuma Tho - là cách nói để biểu thị thái độ của rất nhiều phụ huynh trước cái clip quỷ quái và độc hại mà Thơ Nguyễn đăng trên kênh của mình với búp bê Kumanthong, gọi con xưng mẹ, cho uống coca để “xin vía” học giỏi.

Phải mở ngoặc, đối tượng của kênh này chủ yếu là trẻ em. Và việc cổ xuý, tiếp tay cho bùa ngải bằng búp bê Kumanthong khiến cho những người làm cha mẹ cảm thấy phẫn nộ.

Dư luận, sau đó còn kiểm điểm lại, ngoài clip kinh dị về búp bê kumanthong, kênh này còn có những clip với những trò chơi cực kỳ nguy hiểm, kiểu đun lon nước ngọt đóng kín bằng lửa; thí nghiệm bỏ đá khô vào chai kín gây nổ tung, hay tắm trong thạch jelly...

Một tờ báo dẫn nguồn chuyên trang thống kê SocialBlade cho biết: Kênh YouTube Thơ Nguyễn hiện đang có 8,74 triệu lượt người đăng ký và mức thu nhập hằng tháng của cả kênh là 26 - 414 nghìn USD! Vậy là dưới danh nghĩa kênh giải trí dành cho trẻ em, có vẻ đây chỉ là một cách kiếm tiền và kiếm tiền một cách bất chấp.

Năm 2014, một cuộc khảo sát đầu tiên ở Việt Nam về việc trẻ em sử dụng thiết bị thông minh của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Giáo dục và Đời sống xã hội, Hội Dân tộc học - nhân học TPHCM cho biết: 19% trẻ dưới 3 tuổi tiếp cận thiết bị số, 59% trẻ từ 3-5 tuổi sử dụng thiết bị thông minh. Cũng theo kết quả khảo sát này, trung bình trẻ dùng thiết bị số từ 30-60 phút/ngày.

Điều gì sẽ xảy ra nếu những đứa trẻ xem những clip “bẩn” và bắt chước?

Còn nhớ sau vụ trẻ em rơi từ tầng 12A chung cư trên phố Nguyễn Huy Tưởng - Hà Nội, Uỷ ban Quốc gia về trẻ em ngay lập tức đã có văn bản gửi hàng loạt bộ ngành địa phương đề nghị quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa trẻ em bị rơi, ngã...

Nhưng những “vết thương tâm hồn”, những hiểm hoạ từ những kênh, những clip với nội dung “bẩn” cũng cần được quan tâm xử lý. Chứ không thể chờ một hậu quả xảy ra, một trào lưu “thử thách cá voi xanh” thành hình... mới gióng chuông cảnh báo.

Bởi sự tẩy chay của cư dân mạng, của các bậc cha mẹ hôm nay có thể dẹp bỏ một kênh Thơ Nguyễn, nhưng không có gì đảm bảo ngay ngày mai sẽ lại không xuất hiện một kênh Nguyễn Thơ nếu không có biện pháp quản lý, xử lý thích đáng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn