MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công đoàn Khu CNC&CKCN Đà Nẵng hướng dẫn người lao động làm hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp đòi nợ bảo hiểm. Ảnh: Tường Minh

Xóa nợ bảo hiểm xã hội là đề xuất nhân văn, hợp lý, vì người lao động

Hoàng Văn Minh LDO | 27/05/2024 11:47

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung “báo tin vui” với người lao động khắp cả nước bằng đề xuất xóa nợ bảo hiểm xã hội đối với 200.000 người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn.

Hôm qua (26.5), trong khuôn khổ hội nghị đánh giá việc thực hiện quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã có nhiều đề xuất rất thiết thực với Chính phủ liên quan đến việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Một trong số đó là đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo Bộ LĐTB&XH rà soát danh sách, có chính sách đặc thù giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho hàng trăm nghìn người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…

Theo số liệu của Bộ LĐTB&XH, hiện cả nước có hơn 200.000 lao động trong diện bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn.

Với những trường hợp này, chúng ta mới xử lý tạm thời đóng bảo hiểm xã hội đến đâu được hưởng đến đó. Còn quyền lợi tiếp theo do người lao động bị ngắt quãng đóng bảo hiểm xã hội là rất khó khăn.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề xuất luôn chính sách đặc thù đối với nhóm người lao động này là xóa nợ bảo hiểm xã hội trong các trường hợp này bằng chính nguồn kết dư của quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

Nói nôm na, nếu một người lao động A của một doanh nghiệp B bị nợ bảo hiểm xã hội kéo dài do doanh nghiệp phá sản, ông chủ bỏ trốn. Thay vì “khoá lại” để chờ người lao động và tổ chức Công đoàn hỗ trợ đi đòi nợ, khiếu kiện ra tòa… như lâu nay, người lao động sẽ được cho “xóa nợ”, bù vào bằng chính nguồn kết dư của quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ để quyền lợi của người lao động không bị ảnh hưởng.

Đây là một đề xuất rất nhân văn, thiết thực, hợp lý, rất vì người lao động, được đông đảo người lao động cả nước và tổ chức công đoàn hoan nghênh, ủng hộ cũng như cần được cân nhắc, thông qua để đi vào cuộc sống.

Bởi trước hết, hơn 200.000 người lao động bị treo quyền lợi bảo hiểm xã hội là sự bất công rất lớn khi đây chính là tiền, là mồ hôi công sức của họ đóng vào, chứ không phải do tổ chức hay cá nhân nào đóng thay cho họ.

Tiếp đến, người lao động bị nợ bảo hiểm xã hội là vấn nạn nhức nhối, đã kéo dài từ rất nhiều năm, gây hệ lụy vô cùng lớn. Nhưng chúng ta chưa có phương án ngăn chặn, giải quyết hiệu quả ngoài điệp khúc kiểm tra - nhắc nhở - xử phạt. Và đề xuất này, trước mắt là một lối thoát cho người lao động.

Tuy vậy, cũng không thể không lường trước vấn đề là nếu đề xuất này được thực hiện, rất nhiều khả năng các chủ doanh nghiệp trong diện phá sản và bỏ trốn sẽ trây ỳ hơn khi "ỷ lại" vào việc “xóa nợ” bảo hiểm của Nhà nước.

Lúc đó, việc người lao động đi đòi nợ, đòi quyền lợi liên quan đến bảo hiểm xã hội của mình vốn đã gian nan như lâu nay sẽ càng gian nan, khó khăn hơn.

Vậy nên, song song với việc mở lối thoát cho người lao động bị treo quyền lợi, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách pháp luật về lĩnh vực này để răn đe, đòi nợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động được hiệu quả hơn nữa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn