MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rác ùn ứ ở các quận huyện trên địa Hà Nội hôm 14.7. Ảnh: Tùng Giang.

Xử lý rác tốt để không phải xử lý người cản trở xe rác

Lê Thanh Phong LDO | 20/07/2020 07:10

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu cương quyết xử lý những trường hợp cố tình cản trở hoạt động của Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn.

Cụ thể, giao Công an thành phố Hà Nội trực tiếp chỉ đạo Công an huyện Sóc Sơn và phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn bố trí lực lượng hỗ trợ, bảo vệ để thực hiện biện pháp hành chính đối với các trường hợp chặn xe vận chuyển rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Xử lý các trường hợp chặn xe rác vào đổ rác ở bãi rác Nam Sơn, đồng ý, nhất là các trường hợp cố tình phản đối vì lòng tham và các động cơ không trong sáng khác.

Nhưng xin hỏi, đây có phải là biện pháp giải quyết khủng hoảng rác tại Hà Nội một cách căn cơ lâu dài và bền vững hay không? Câu trả lời ngay lập tức là không.

Chỉ có cách duy nhất, không phải xử lý người cản trở xe rác mà tập trung xử lý rác ngay từ gốc. Nếu như bãi rác Nam Sơn còn mùi hôi thối, ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong khu vực, thì còn xảy ra những phản ứng từ phía dân.

Bắt người dân phải chịu đựng, phải chấp nhận sống trong một môi trường đe doạ sức khoẻ, nguy cơ bệnh tật cao, thì đó không phải là chính quyền tốt. Người dân đóng nhiều thứ thuế, trong đó có thuế liên quan đến môi trường, đóng tiền chi phí cho xử lý rác, do đó chính quyền phải có trách nhiệm tạo ra một môi trường trong lành, an toàn sức khoẻ cho người dân.

Nhìn lại những vụ khủng hoảng liên quan đến bãi rác Nam Sơn, sẽ thấy người dân đã quá sức chịu đựng và nếu không xử lý rác tốt, thì còn khủng hoảng. Không riêng gì Hà Nội, đã có nhiều địa phương khác gặp khủng hoảng vì rác, trong đó có trường hợp dân chặn xe vào bãi rác như ở Quảng Ngãi.

Và đây là bài học cho cả nước, vì trên thực tế, hầu hết các địa phương đều chưa có nhà máy xử lý rác ứng dụng công nghệ cao, đạt chất lượng như Singapore. Các cách xử lý chôn lấp quá lạc hậu, gây ra ô nhiễm. Hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM có hai bãi rác Nam Sơn và Đa Phước là điển hình cho sự lạc hậu trong xử lý rác. Còn nhiều nơi khác chỉ chất thành núi rác, như ở Đà Lạt, Hội An, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Bạc Liêu...

Đã đến lúc phải đặt việc đầu tư xây dựng các dự án xử lý rác công nghệ cao lên hàng khẩn cấp và ưu tiên như các dự án cung cấp điện, dự án cung cấp nước. 

Nhiều dự án đầu tư công không thực hiện được, tiền không tiêu được, trong lúc rác ngập đầu. Hãy tính toán chuyển hướng đầu tư vào các dự án xử lý rác công nghệ cao càng nhanh càng tốt, thảm hoạ rác đang đe doạ đất nước. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn