MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lừa đảo với hàng chục hình thức, chiêu trò cũ - mới trên mạng đã và đang bủa vây người dân với số vụ, nạn nhân năm sau cao hơn năm trước. Ảnh: Lương Hạnh

Xử lý tội phạm trên mạng không chỉ trông chờ vào nhận thức của nông dân

Hoàng Văn Minh LDO | 01/01/2024 08:07

Để ngăn ngừa, xử lý tốt nhất tội phạm trên mạng, Bộ Công an đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao nhận thức của người dân, gồm cả nông dân.

"Xin được hỏi Chính phủ và các ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu gì để ngăn chặn và xử lý triệt để các hoạt động tội phạm như trên?" - đó là câu hỏi của ông Trần Văn Tân, Giám đốc HTX Dược liệu QueenFarm (Thanh Hóa) tại Hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì vào chiều 30.12.

“Hoạt động tội phạm” mà ông Trần Văn Tân nhắc đến chính là hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng đang ngày một nhiều tại các vùng nông thôn.

Các đối tượng đã lợi dụng vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp của người nông dân để đưa ra các chiêu, trò lừa đảo, hay việc bán những nông sản trên không gian mạng là nông sản kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý hơn 1.650 vụ lừa đảo chủ yếu qua điện thoại di động, điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, những vụ việc được phát hiện mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi.

Thời gian qua, Bộ Công an đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội vào cuộc quyết liệt với việc ban hành nhiều chỉ thị, nghị định để xử lý vấn đề này.

Đặc biệt là Đề án 06 về dữ liệu dân cư, định danh điện tử quốc gia với kỳ vọng “sẽ khiến các thể loại tội phạm lừa đảo trên mạng sẽ hết đường lộng hành”.

Tuy nhiên, theo như thừa nhận của Thứ trưởng Lê Quốc Hùng, “đến nay, chúng ta vẫn gặp nhiều khó khăn”, trước hết là với Đề án 06.

Nâng cao nhận thức của người dân, trong đó có nông dân là một trong những giải pháp quan trọng được Thứ trưởng Lê Quốc Hùng nêu ra tại buổi đối thoại với hy vọng sẽ ngăn ngừa tốt nhất thực trạng lừa đảo trên không gian mạng.

Đi cùng là khuyến cáo bà con nông dân cần tìm hiểu kỹ các quy định về giao dịch ngân hàng, giao dịch dân sự trên mạng, trên sàn điện tử; nắm bắt được thủ đoạn của các đối tượng thường sử dụng trên không gian mạng… để chủ động phòng ngừa.

Những điều này đều đúng, cần thiết, cần làm thường xuyên, nhưng lại khó thu được kết quả ngay như kỳ vọng. Bởi “bắt” bà con nông dân phải có nhận thức cao cũng như nắm bắt thuần thục những điều vừa nêu để đối phó với loại hình tội phạm công nghệ này thì không thể có ngay kết quả trong một sớm một chiều.

Nên chủ công và căn cơ trong phòng ngừa, xử lý tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng vẫn phải là sự quyết liệt hơn nữa trong vào cuộc của cơ quan chức năng. Đi kèm là việc cần sớm xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ, toàn diện hơn, giảm bớt lỗ hổng về mặt pháp luật.

Vấn đề nữa là cũng phải thẳng thắn thừa nhận, song song với sự nhẹ dạ cả tin thì chính lòng tham là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người dân, trong đó có nông dân bị sập bẫy lừa đảo.

Vậy nên, trong khi chờ pháp luật hoàn thiện và nâng cấp trình độ công nghệ, người dân, trước hết hãy tự bảo vệ mình bằng cách biết "quản trị" lòng tham, biết chậm lại để có thời gian suy nghĩ với những lời đề nghị luôn rất hấp dẫn từ "cõi mạng".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn