MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân xả rác bị ghi hình lại.

Xử phạt thẳng tay mới bảo vệ được môi trường

LÊ THANH PHONG LDO | 15/05/2019 08:00

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU ngày 19.10.2018 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước” ngày 11.5, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi:

Việc chụp ảnh, ghi hình người xả rác để xử phạt đã làm được chưa? Sự giám sát của HĐND thành phố về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải trên địa bàn dân cư thời gian qua đã giám sát tới đâu? Việc nhân rộng các điển hình, mô hình tốt được MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm tới đâu, có khó khăn gì?

Chưa có câu trả lời cụ thể, bởi vì trên thực tế, người xả rác rất nhiều nhưng không ai bị xử phạt. Còn việc giám sát, nhân rộng điển hình, thực ra là rất mơ hồ, khó đong đếm, đo lường được. Nói thẳng thắn, rất hình thức và mang tính phong trào.

Câu hỏi Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đặt ra, có làm hay chưa được trả lời từ thực tế. Rác còn nhiều có nghĩa là không làm, hoặc có làm nhưng không hiệu quả.

Đối với báo cáo, trong 6 tháng các đơn vị, tổ chức của TPHCM đã xóa được 277 điểm trong tổng số 369 điểm đen về rác thải (chiếm 77%), nghe rất lạc quan, nhưng trên thực tế, rác ở thành phố quá nhiều, không thể kể hết được. Chúng ta phải đối diện với thực trạng môi trường hiện nay để hành động và thay đổi, nếu chỉ đưa ra những con số báo cáo làm hài lòng nhau thì thực tế vẫn thế. Người dân không quan tâm tới tỉ lệ 77%, cái sờ sờ trước mắt là đường phố đầy rác, khu phố đầy rác.

Tại Hà Nội, theo Cty Môi trường Đô thị Hà Nội, sau gần một tháng triển khai xử phạt qua ghi hình hành vi xả rác bừa bãi, các phường đã xử phạt vi phạm hành chính 25 trường hợp.

Có xử phạt là rất tốt, nhưng cũng nói thẳng luôn, so sánh với tình trạng xả rác, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, xử phạt 25 trường hợp là quá ít. Chúng ta phải thừa nhận, nhiều đường phố, kênh rạch, hồ nước ở Hà Nội đầy rác.

Muốn thay đổi nhận thức của người dân, phải làm song song hai việc, một là tuyên truyền, vận động, tổ chức các chương trình, phong trào, hoạt động bảo vệ môi trường và vận động người dân tham gia. Đặc biệt là ủng hộ thực hiện các sáng kiến thay thế vật dụng làm bằng nhựa.

Hai là xử phạt, chế tài thật nghiêm đối với người vi phạm. Không còn cách nào tốt hơn để trị nạn xả rác hiện nay bằng thực thi pháp luật. Chúng ta có pháp luật trong tay thì phải thi hành, có luật thì phải áp dụng vào cuộc sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn