MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
MC Xuân Bắc dẫn dắt Vua Tiếng Việt. Ảnh: VTV

Xuân Bắc "chậm chễ", "Vua Tiếng Việt" nên kỹ lưỡng tiếng Việt hơn!

Lê Thanh Phong LDO | 24/04/2023 15:56

Một chương trình vui chơi có tên rất kinh là "Vua Tiếng Việt" vừa bị phát hiện sai chính tả.

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công - người nổi tiếng với bộ "Từ điển Tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và khảo cứu", đã chỉ ra lỗi sai chính tả: từ "chậm trễ" đã bị chương trình hướng dẫn viết thành "chậm chễ". Chương trình truyền hình "Vua Tiếng Việt" tập 28 vừa phát sóng trên kênh VTV3.

Cụ thể, Ban tổ chức đặt câu hỏi cho người chơi chọn phương án đúng giữa hai phương án "trậm trễ" hay "chậm chễ". Thí sinh Đỗ Văn Tăng chọn "chậm chễ". Người dẫn chương trình là diễn viên hài Xuân Bắc khẳng định đáp án của người chơi là đúng.

Đúng là hài thật, nhưng ở đây là một sự sai sót rất đáng cười, không phải Xuân Bắc cố ý hài hước.

Ông Hoàng Tuấn Công phân tích "chậm trễ" không phải từ láy, mà là từ ghép đẳng lập. Trong đó từ "chậm" có nghĩa là muộn, trễ (so với yêu cầu hoặc thời hạn quy định). Từ "trễ" cũng có nghĩa là chậm, muộn. Từ "trễ" trong từ ghép "chậm trễ" có gốc Hán từ chữ "trệ", nghĩa là bất động, dừng lại, không tiến hành nữa. Chữ "trệ" này chính là "trệ" trong "trì trệ", "trệ khí", "đình trệ".

MC Xuân Bắc có thể không biết những điều như ông Hoàng Tuấn Công phân tích, nhưng một từ thông thường như "chậm trễ" mà Xuân Bắc cũng không biết, cho rằng "chậm chễ" là đúng thì quá đáng cười. Cười đây là chê cười.

Nhưng trách Xuân Bắc cũng hơi khổ thân anh, vì anh cũng chỉ là một MC, trách nhiệm còn ở những người làm chương trình. Họ đã để xảy ra sai sót trong việc đặt câu hỏi và đưa ra lời giải đáp.

Thiết kế chương trình để nâng cao trình độ tiếng Việt cho cộng đồng là cần thiết, rất đáng ủng hộ. Những người làm chương trình có tâm huyết, mong muốn người Việt Nam có kiến thức về tiếng Việt tốt hơn, hạn chế viết sai chính tả.

Nhưng đáng tiếc là chương trình lại sai chính tả.

Đây là bài học để những người làm chương trình kỹ lưỡng hơn trong biên soạn câu hỏi, đáp án, đảm bảo chính xác, đạt chất lượng chuyên môn cao. Đặc biệt là lan tỏa cái hay, cái đẹp và tình yêu tiếng Việt trong cộng đồng.

Ai cũng có thể sai sót, chương trình gì cũng có thể gặp những trục trặc, nhưng sai sót kiểu như "chậm trễ" thành "chậm chễ" trong một chương trình được mang danh là "Vua Tiếng Việt" thì khó có thể chấp nhận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn