MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xưng con hay xưng em không ảnh hưởng gì đến việc dạy và học Ảnh: LĐO

Xưng con với thầy cô không sai, nhưng không nên lạm dụng

Lê Thanh Phong LDO | 14/02/2022 15:11

Trên các diễn đàn đang tranh luận dữ dội về chuyện xưng hô trong nhà trường giữa giáo viên và học sinh xưng con hay là em mới đúng?

Học sinh xưng con hay xưng em với thầy cô là chuyện của cá nhân, tùy thuộc vào mối quan hệ giữa hai bên, không có quy ước nào và không có "đại từ nhân xưng" nào là chuẩn mực bắt buộc trong nhà trường.

Chắc nhiều người biết đến lời của bài hát: "Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo. Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền. Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền".

Bài hát thật dễ thương, cô giáo vừa là cô giáo, và cũng như mẹ hiền thì quá gần gũi, quá yêu quý. Mà đã là mẹ hiền thì xưng con mới phải chứ. Chuyện đơn giản và ý nghĩa như vậy có gì xấu xa đâu mà lên án hay ngăn cản.

Trong quan hệ xã hội, ngay cả đi ra đường, tiếp xúc với người lớn tuổi hơn, người nhỏ tuổi gọi cô hoặc chú, bác, xưng con hay cháu, đó là chuyện đúng, là lễ phép. Vậy thì trong nhà trường, học trò xưng con với thầy, cô của mình không được hay sao?

Tuy nhiên, xưng con trong nhà trường không nên bị lạm dụng.

Trở lại bài hát trên, "cô giáo như mẹ hiền" chỉ phù hợp với lớp mẫu giáo, vỡ lòng. Trường hợp thứ hai, đối với những thầy cô giáo lớn tuổi, dạy học trò thuộc lứa tuổi con cái của họ, thì học trò xưng con với thầy còn là sự tôn trọng, giữ phép tắc với người cao tuổi so với mình.

Trừ hai trường hợp nêu trên, còn lại đa số thầy và trò có khoảng cách tuổi tác không quá xa, xưng con không phù hợp. Đối với học sinh cấp hai, cấp ba mà gọi cô giáo "như mẹ hiền" rất chi không ổn.

Sinh viên sư phạm mới ra trường, đi dạy trung học, tuổi tác giữa thầy và trò chênh lệch không bao nhiêu, thầy gọi học trò bằng con nghe không lọt tai.

Cũng có ý kiến cho rằng, xưng con hay xưng em với học sinh không ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Ý kiến này cần xem lại, bởi vì nhìn từ quan điểm giáo dục đề cao cá nhân, độc lập suy nghĩ, dám phản biện, thì xưng hô là con hay em ở trong trường học rất quan trọng.

Khi xưng con với thầy cô giáo, bản thân người học trò cảm thấy có sự tôn kính như cha mẹ, nên không mạnh dạn nêu quan điểm cá nhân, phản biện lại ý kiến của thầy cô giáo. Cũng tương tự như ở nhà, không dám cãi lời mặc dù "cha mẹ nói oan, quan nói ép".

Ngược lại, nếu học sinh xưng em, thì mối quan hệ với thầy cô bình đẳng hơn, học sinh tự tin để không nghe theo những cách dạy áp đặt một chiều, đóng khung tư duy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn