MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Trần Thị Giang - con "ma rừng" năm nào giờ đã thành cán bộ y tế xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Bin

Y bác sĩ vùng cao, mấy chữ “hi sinh thầm lặng” đôi khi không thể nói hết

Hoàng Văn Minh LDO | 17/10/2023 09:48

Với nhiều y bác sĩ đang công tác tại trạm y tế các xã miền núi, mấy chữ “hi sinh thầm lặng” đôi khi không thể nào nói hết được những khó khăn, vất vả mà họ đã, đang trải qua.

Ví như chuyện về những bác sĩ Nguyễn Thanh Hải và Hồ Thị Hiếu giành sinh mạng từ hủ tục chôn sống con theo mẹ chết ở huyện miền núi Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, vừa được kể trên báo Lao Động.

Thật khó tin khi vừa mới đây thôi, ở nhiều huyện miền núi dọc miền Trung - nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - vẫn còn chuyện một sinh linh vừa cất tiếng khóc chào đời, nhưng chẳng may người mẹ qua đời, lập tức các em sẽ bị người thân, người làng hô “biến” thành những con “ma rừng”.

Và đau đớn, rùng rợn hơn, những con “ma rừng" ấy bị buộc phải chôn sống theo mẹ mình bằng rất nhiều cách khác nhau để không thể, không có cơ hội làm hại, gây tai họa cho dân làng theo một niềm tin - một hủ tục có từ xa xưa nhưng không ai lý giải được vì sao lại thế.

Cũng thật khó tin khi những y bác sĩ - những chàng trai, cô gái mới ngoài 20 tuổi và thậm chí còn chưa có cả người yêu nhưng trong những tình thế nguy cấp đã đưa ra lựa chọn phải đấu tranh, giành giật, cứu sống những đứa trẻ từ hủ tục theo kiểu “lúc đó nghe tin, trong đầu mình không hiểu sao lại có một ý nghĩ thôi thúc là phải cứu cho bằng được đứa bé”, như lời của bác sĩ Hồ Thị Hiếu, Trưởng Trạm Y tế xã Trà Cang, huyện Nam Tra My nhớ lại về hành động của mình.

Không chỉ cứu sống, những chàng trai, cô gái còn chưa có người yêu ấy còn nhận những đứa trẻ làm con và đã, đang nuôi dạy chúng thành người có ích cho xã hội, “trả lại” cho bản làng một cán bộ y tế đúng như lời hứa.

Nuôi dạy, yêu thương con cái không phải máu mủ do mình đứt ruột đẻ ra đã khó. Nuôi dạy, yêu thương như con ruột những con “ma rừng” như thể "tai họa" từ trên trời rơi xuống trong điều kiện tiền bạc thiếu thốn trăm bề cùng không ít những lời thị phi nhiều hơn thương cảm, động viên… càng khó khăn hơn bội phần.

Và đó là những hành động, việc làm mà không phải người bình thường hay y bác sĩ nào cũng làm được trong điều kiện như thế.

Cứu người dĩ nhiên là thiên chức và trách nhiệm của những y bác sĩ. Nhưng cứu sống, nuôi dạy những con “ma rừng” thành con người để minh chứng, ví dụ sinh động giúp người dân xóa bỏ được hủ tục ngàn đời, như những y bác sĩ ở huyện miền núi Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, thì trách nhiệm và sự cao cả đã vượt ra ngoài thiên chức!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn